Vừa “dính án” 800 triệu, Prudential Việt Nam tiếp tục bị kiện ra tòa vì sa thải nhân viên
Theo thư phản ánh của bà Đặng Thị Thanh Thúy về việc Prudential Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bà Đặng Thị Thanh Thúy và công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam ký kết hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm (từ ngày 01/10/2007 đến 30/09/2008). Sau 01 năm Hợp đồng lao động của bà Thúy đã tiếp tục xác định hợp đồng không xác định thời hạn.
Đến tháng 8/2009, bà Đặng Thị Thanh Thúy chuyển về văn phòng chi nhánh Quy Nhơn làm việc với vị trí phòng hỗ trợ Đại lý. Đến 09/2013, bà Thúy được chuyển sang đảm nhiệm vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng.
Bà Đặng Thị Thanh Thúy kiện Prudential Việt Nam vì sa thải nhân viên trái luật
Bà Thúy cho biết, trong suốt 11 năm qua, bản thân bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được công ty giao phó trong mọi lĩnh vực, không vi phạm bất cứ kỷ luật gì. Hàng năm kết quả làm việc của bà được đánh giá bởi quản lý trực tiếp và nhân sự của công ty luôn đạt kết quả làm việc hiệu quả.
Ngoài ra, bà Đặng Thị Thanh Thúy là Giám sát cấp cao thuộc Bộ phận Nhượng quyền thương hiệu của công ty BHNT Prudential tại Quy Nhơn. Là Công đoàn viên thuộc tổ công đoàn văn phòng Prudential Quy Nhơn.
Thế nhưng, ngày 03/5/2018, Công ty ra 2 Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Thúy từ ngày 05/05/2018. Một do Bà Trần Lê Quế An – Giám đốc cấp cao nhân sự ký và một do Bà Bùi Thị Thanh Thúy – Phó tổng giá đốc nhân sự ký. Trùng hợp là cả hai quyết định trên, cùng số 270412/2018GXN/Pru ngày 03/05/2018.
Theo bà Thúy, cả hai quyết định trên là Căn cứ theo đơn xin nghỉ việc của bà. Thế nhưng, trên thực tế, bà Thúy không làm bất cứ đơn xin nghỉ việc nào.
“Ngày 04/05/2018, Công ty cho người mời tôi làm việc, ép buộc và hướng dẫn tôi ký Biên bản thỏa thuận nghỉ việc, để hợp thức hóa các quyết định đơn phương chấm dứt lao động trên. Đồng thời, Công ty không mời Ban chấp hành Công Đoàn họp cùng với người lao động, người sử dụng lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động của tôi theo quy định pháp luật?”, đơn kêu cứu của bà Thúy đề cập.
Theo bà Thúy, Công ty Prudential Việt nam đã vi phạm nghiêm trọng đối với Luật lao động và bà Đặng Thị Thanh Thúy cũng đã có đơn khởi kiện Prudential Việt Nam ra Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Trong đơn khởi kiện, bà Thúy yêu cầu Prudential Việt Nam bồi thường cho bà Thúy những thiệt hại vật chất, tinh thần, danh dự, uy tín cá nhân với tổng cộng hơn 250 triệu đồng cùng khoản tiền lương kể từ khi toà thụ lý đến khi xét xử xong
Prudential Việt Nam phúc đáp gì?
Liên quan đến vấn đề bà Đặng Thị Thanh Thúy nêu trong đơn cầu cứu, trao đổi với pv Dân Việt, Prudential Việt Nam xác nhận trường hợp của bà Đặng Thị Thanh Thúy là nhân sự nghỉ việc trong đợt ngày 4/5/2018. Các quyết định nghỉ việc của chị Thúy do Bà Trần Lê Quế An – Giám đốc cấp cao nhân sự ký và Bà Bùi Thị Thanh Thúy – Phó tổng giá đốc nhân sự ký. Những người này theo Prudential Việt Nam dù không phải là người đại diện pháp luật của Prudential và là người ký hợp đồng với người lao động nhưng đều có thẩm quyền ký ban hành quyết định nghỉ việc (Prudential Việt Nam có văn bản ủy quyền).
Cũng theo Prudential Việt Nam, do chị Thúy đã ký vào Thoả Thuận Chấm dứt HĐLĐ vào ngày 4/5/2019 và đã nhận đầy đủ quyền lợi thỏa thuận với Công ty nên trường hợp này là hoàn toàn phù hợp với Luật Lao động và phù hợp với Luật pháp.
Dưới góc độ luật sư, luật sư Bùi Quốc Tuấn – đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: “Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 05/05/2018 là tự Công ty Prudential Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Thúy vì nếu theo Thỏa thuận lý ngày 04/5/2019 thì Hợp đồng lao động đến ngày 07/6/2018”.
Hơn nữa trong thời gian Công ty chấm dứt hợp đồng lao động của Bà Thúy ngày 03/5/2019, khi Bà Thúy đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, tức con bà Thúy chỉ 7 tháng tuổi, theo giấy chứng nhận phẫu thuật số 17001819, ngày vào viện 17/9/2017 ra viện ngày 22/9/2019, Mổ lấy thai, do Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Định cấp. Giấy khai sinh cho cháu Chế Ngọc Thắng, số 668/TLKS-BS ngày 28/9/2017 do UBND Phường Đống Đa cấp.
Căn cứ Khoản 3 Điều 39 Trường Hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ Khoản 3 Điều 155 Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi….
“Như vậy, Prudential Việt Nam đã thực hiện sa thải người lao động trái qui định của Pháp luật, trong trường hợp này là vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật lao động, không có tính nhân văn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Prudential Việt Nam bị khởi kiện vì sa thải người lao động.
Hình ảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa ông Nguyễn Trung Trí (nguyên đơn) và Prudential Việt Nam (bị đơn) tại Cà Mau
Trước đó, ngày 20/8 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau chính thức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa ông Nguyễn Trung Trí (nguyên đơn) và Prudential Việt Nam (bị đơn)
Kết thúc phiên xét xử, Tòa án nhân dân TP. Cà Mau buộc phía Prudential Việt Nam phải thu hồi và hủy tất cả các quyết định liên quan đến việc nghỉ việc của ông Trí đã được ký, ban hành trước đó. Đồng thời, Prudential Việt Nam nhận ông Trí vào làm việc trở lại, và khôi phục lại quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 16 tháng mà Công ty đã cho ông nghỉ việc trái pháp luật.
Tổng số tiền Prudential Việt Nam phải thực hiện trả lương và bồi thường thiệt hại cho ông Trí là hơn 800 triệu đồng. Sau khi trừ số tiền 364 triệu đã chuyển cho ông Trí, Prudential Việt Nam còn phải trả cho ông Trí số tiền trên 566 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Dân Việt, Prudential Việt Nam sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm này.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.