Vùng quê của các cao thủ diệt chuột, mỗi giờ bắt được hàng trăm con
Lập tổ diệt chuột đánh bắt thủ công
Là tỉnh đi đầu về phát triển cây lúa nhưng nhiều địa phương ở Thái Bình cũng gặp khó khăn do nạn chuột phá hoại. Trước tình hình đó, các huyện, xã tích cực ra quân diệt chuột để bảo vệ mùa màng, đồng thời tránh làm ô nhiễm môi trường.
Phương pháp diệt chuột thông thường được nhiều nơi áp dụng là dùng nilon vây quanh ruộng lúa, dùng bả, bẫy thông thường… Tuy nhiên, cách làm này không mang lại hiệu quả cao.
Thậm chí, do chuột hoành hành, nhiều nông dân còn dùng điện để bẫy chuột dù biết có thể gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Một số khác sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột.
Với cách này, chuột chết không tập trung, quá trình chuột chết không tìm thấy xác khiến tình trạng bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Cạnh đó, nếu vật khác ăn phải xác chuột có dính bả thuốc hóa học sẽ nhân cấp độ ngộ độc, gây nguy hiển cho cả con người và môi trường sống.
Trong khi đó, nạn chuột phá hoại ở xã Hà Giang (Đông Hưng, Thái Bình) đã được khống chế nhờ các tổ diệt chuột tập trung của HTX DVNN Đông Hà. Với thành viên là những “lão nông tri điền” nhiều kinh nghiệm, các tổ diệt chuột đạt kết quả đáng kinh ngạc.
Cụ thể, mỗi tổ diệt chuột có thể bắt được trên 200 con chuột mỗi giờ. Mỗi đợt ra quân, các tổ đánh bắt hàng nghìn con chuột.
Mô hình bắt chuột hiệu quả
Đây là phương pháp bắt chuột thủ công và không phải là cách làm mới nhưng đang phát huy hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, cách làm này không tốn nhiều chi phí như các phương pháp diệt chuột khác.
Trong khi đó, với phương pháp căng nilon chống chuột, mỗi sào tốn khoảng 100.000 đồng mua nilon và cọc để căng nhưng hiệu quả cũng không được bao nhiêu, cây trồng vẫn bị chuột cắn phá. Phương pháp đánh thuốc sinh học để diệt chuột cũng tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả không cao.
Người dân địa phương cho biết đây là thời điểm quyết định đến năng suất lúa. Thời gian này, lúa ôm đòng chuẩn bị trổ, nếu bị chuột cắn phá sẽ không cho thu hoạch.
Đáng nói, chuột cũng đang vào mùa sinh sản nên đây là cơ hội tốt để có thể bắt được cả chuột mẹ và chuột con.
Theo cách thức của các tổ diệt chuột ở đây thì mỗi vụ, các tổ sẽ tổ chức ra đồng bắt chuột trong nhiều ngày liên tục, có khi tới 6 – 7 ngày và tập trung đánh bắt vào ban ngày.
Các thành viên trong tổ sẽ dùng liềm phát bụi rậm tìm hang chuột, dùng cuốc, xẻng đào vào hang, đổ nước vào, đợi khi chuột sặc nước chui ra thì dùng lưới quây bắt. Sau khi bắt được chuột, các tổ sẽ đắp lại bờ như cũ, tránh làm hư hại đường.
Nhờ tích cực áp dụng mô hình này, tình trạng chuột gây hại lúa ở xã Hà Giang đã giảm hẳn, nông dân phấn khởi, yên tâm trồng trọt.
Được biết, mỗi năm HTX DVNN Đông Hà phát động 4 đợt ra quân diệt chuột, huy động 6 tổ đánh bắt chuột với khoảng 40 người tham gia. Để khuyến khích người dân tích cực diệt chuột bằng phương pháp thủ công, HTX còn thu mua đôi chuột với giá từ 3000 -5.000 đồng mỗi đuôi.
Công việc vất vả, tiền phụ cấp không có nhưng các tổ diệt chuột vẫn vui vẻ, tích cực tham gia vì mục tiêu bảo vệ mùa màng cho chính mình và cho bà con nông dân trong vùng.