World Bank hạ dự báo tăng trưởng hàng loạt quốc gia châu Á trừ Trung Quốc

28/09/2021 21:03 GMT+7
Ngân hàng Thế giới World Bank nhận định đà phục hồi của khu vực Đông Á - Đông Nam Á và Thái Bình Dương đang suy yếu do sự lây lan biến thể Delta làm bùng phát các làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng.

Theo World Bank (WB), hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực đã có dấu hiệu chậm lại trong quý II/2021, điều này có nguy cơ làm chậm đà tăng trưởng trong năm nay cũng như gia tăng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm nay, WB cảnh báo sự phục hồi của các quốc gia còn lại trong khu vực có thể sẽ “mất đà” vì biến thể Delta. Cụ thể, WB hạ dự báo tăng trưởng cho phần còn lại của khu vực Đông Á - Đông Nam Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) từ 4,4% xuống chỉ còn 2,5%. Tăng trưởng chung của khu vực (có bao gồm Trung Quốc) ước tính đạt khoảng 7,5% do được mức tăng mạnh mẽ của Trung Quốc tiếp sức.

Manuela Ferro, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương cho biết: “Sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển Đông Á - Đông Nam Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vào năm 2020, khu vực này kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 trong lúc các quốc gia khác lao đao. Nhưng bước sang năm nay, sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới Covid-19 đã làm mờ đi triển vọng tăng trưởng”.

World Bank hạ dự báo tăng trưởng hàng loạt quốc gia châu Á trừ Trung Quốc - Ảnh 1.

WB hạ dự báo tăng trưởng hàng loạt quốc gia châu Á trừ Trung Quốc (Ảnh: SkyNews)

Theo WB, một số nền kinh tế các quốc đảo ở Thái Bình Dương và Myanmar là những quốc gia ghi nhận tăng trưởng giảm mạnh nhất. Trong đó, Myanmar dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng giảm tốc 18% trong khi các quốc đảo Thái Bình Dương có thể ghi nhận GDP giảm 2,9%.

“Không nghi ngờ gì, vụ chính biến ở Myanmar đã dẫn đến sự gián đoạn đáng kể trong hoạt động kinh tế. Kết hợp với nó là phong trào bất tuân dân sự, đồng nghĩa nhiều người dân nghỉ làm và ở yên tại nhà” - theo Chuyên gia kinh tế trưởng Aaditya Mattoo của WB.

Báo cáo của WB ước tính hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines, có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng hơn 60% dân số vào nửa đầu năm 2022. Mặc dù điều này có thể không giúp kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, nhưng sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như tạo điều kiện để chính phủ mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.

Tuy vậy, WB cho rằng hệ lụy mà đại dịch gây ra có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong những năm tiếp theo, kèm theo sự gia tăng bất bình đẳng đáng kể. “Tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp xét nghiệm nhanh để kiểm soát dịch có thể giúp bình thường hóa hoạt động kinh tế ngay từ đầu năm 2022 và tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các quốc gia này trong những năm tới. Nhưng trong dài hạn, chỉ những cải cách sâu sắc hơn mới có thể ngăn chặn tốc độ tăng trưởng giảm tốc và sự gia tăng bất bình đẳng” - các chuyên gia WB nhận định.

Ngoài ra, WB cũng nhấn mạnh các chính phủ cần nỗ lực nghiêm túc trên 4 mặt trận để đối phó với làn sóng dịch hiện tại” giải quyết các hạn chế về khả năng phân phối và tiêm chủng vắc xin, tăng cường xét nghiệm và truy vết, đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong khu vực và củng cố năng lực hệ thống y tế.

Bất chấp dự báo lạc quan của WB về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Nomura mới đây vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP nước này khi tình trạng giới hạn sử dụng điện tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nhà máy. “Các thị trường có vẻ đang lo lắng do sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, đến nỗi họ bỏ qua rủi ro từ các biện pháp hạn chế sử dụng điện của Bắc Kinh” - kinh tế trưởng Nomura Ting Lu nhấn mạnh. Ông này kỳ vọng GDP của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm nay, giảm từ mức dự báo 8,2% trước đó.


NTTD
Cùng chuyên mục