Xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan “tín dụng đen”
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Đây là thông tin được đưa ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngày 4/6. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, sau khi bị trấn áp mạnh, tội phạm tín dụng đen đã bị kìm chế, nhiều cơ sở đã dừng hoạt động nhưng tình hình vẫn phức tạp, tín dụng đen vẫn len lỏi đến các vùng quê gây nhiều lo lắng cho người dân.
Cũng liên quan đến vấn đề tội phạm tín dụng đen, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tín dụng đen.
Tuy nhiên, địa biểu từ Ninh Thuận cũng bày tỏ lo lắng về việc trong 5 tháng vừa qua, ngành công an đã triệt phá 933 băng nhóm buôn lậu, tức là giảm không nhiều so với năm 2018 và điều đáng quan tâm là số vụ xem xét xử lý liên quan tới tín dụng đen chỉ chiếm 2% số vụ việc. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ giải pháp sắp tới.
Bản chất hoạt động cho vay trên thị trường phi chính thức không phải là xấu. Đây là kênh tín dụng hiệu quả, linh động nhằm giải quyết nhu cầu tín dụng đa dạng của người dân mà các ngân hàng hay tổ chức tài chính không thể đáp ứng.
Tuy nhiên tín dụng đen lại thường gây ra những bất ổn xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Nguyên nhân là do tín dụng đen thường đi kèm với mức lãi suất cao, khiến người vay không trả được nợ, dẫn đến tình trạng đe dọa, gây rối hoặc các hành vi cưỡng đoạt tài sản của con nợ để đòi nợ.
Thừa nhận thực tế này, người đứng đầu ngành công an cho hay: “Tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm xã hội và những phức tạp khác. Tín dụng đen là quan hệ về dân sự nhưng nếu vượt qua giới hạn nhất định, quan hệ này sẽ chuyển thành tội phạm hình sự”.
Bộ trưởng Tô Lâm đề ra một loạt giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, ông Lâm nhấn mạnh tới việc duy trì khí thế tấn công, trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật liên quan tới tín dụng đen. Khí thế này không được chùng xuống khi có những kết quả ban đầu.
“Chúng tôi đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 12 phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành giải quyết tín dụng đen. Những giải quyết cơ bản sẽ góp phần làm giảm sự phát triển của tín dụng đen trong thời gian tới", ông Lâm nói.
Về pháp luật, Bộ Công an đề xuất cần có hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan tới xử lý tội phạm vi phạm pháp luật của hoạt động này. Bởi ranh giới giữa xử phạt hành chính dân sự và hình sự rất “tương đối”.
Ông Lâm đề nghị các ngân hàng cần đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, không có cơ hội cho tín dụng đen có đất hoạt động.
Thực tế, tại Việt Nam, thị trường tài chính chính thức chỉ đáp ứng khoảng 80-85% nhu cầu vốn, phần còn lại là thị trường tín dụng phi chính thức. Trong các hình thức tín dụng phi chính thức như vay bạn bè, người thân, cầm đồ, vay tổ chức tài chính vi mô... thì tín dụng đen chiếm khoảng một phần ba thị trường tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 5-6% nhu cầu vốn.
Vừa qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp với các bộ, ngành khác hỗ trợ người dân có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn vốn chính thức thông qua việc tăng nguồn tín dụng cho khu vực nông thôn, giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý và đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục vay vốn. Agribank là đơn vị đầu tiên cho biết chuẩn bị triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên tín dụng đen không vì thế mà có dấu hiệu suy giảm. Bản chất tín dụng là sự đánh đổi giữa mức độ dễ dàng trong tiếp cận tín dụng và mức độ rủi ro của việc không trả được nợ, thể hiện qua lãi suất. Khả năng tiếp cận vốn càng linh động, dễ dàng, nhưng không dựa trên tài sản đảm bảo thì mức độ rủi ro càng tăng, kéo theo lãi suất tăng cao.