Xử phạt 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu
Sau khi thanh tra 11 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, thanh tra Bộ Công Thương vừa có kết luận:
Một số doanh nghiệp đã báo cáo chưa đúng về tình hình thực tế kho chứa xăng dầu. Việc thuê kho chứa có thời điểm chưa đáp ứng quy định như chưa được cơ quan quản lý địa phương thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó tràn dầu với kho nhiên liệu.
Mười một doanh nghiệp này gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty TNHH MTV dầu khí TP. HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng tháp…
Báo cáo cho biết, năm 2021, khi chưa có thay đổi quy định hệ thống phân phối xăng dầu phải có tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (Khoản 6, Điều 1, Nghị định 95) thì một số thương nhân đầu mối chỉ đảm bảo số lượng về thương nhân nhận quyền, không ký kết hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định.
Như vậy, số doanh nghiệp này không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định năm 2021. Bên cạnh đó, một số thương nhân đầu mối thay đổi số lượng đại lý, thương nhân nhận quyền nhưng không báo cáo, đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối với cơ quan quản lý theo quy định.
Qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại đơn vị trước khi cấp phép của một số thương nhân đầu mối, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu đã chưa tham mưu đầy đủ với lãnh đạo bộ để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu, kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định liên quan tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu...
"Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các Sở Công Thương, thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất", báo cáo nêu.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 thương nhân đầu mối, các công ty con, đơn vị trực thuộc thương nhân đầu mối.
Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân dầu mối khắc phục các vi phạm, sai sót và tồn tại trong hoạt động kinh doanh; thực hiện đầy đủ việc báo cáo số liệu xuất, nhập, tồn kho xăng dầu, cũng như báo cáo định kỳ hàng tháng việc nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn trong nước…
Các doanh nghiệp cũng cần khắc phục, thực hiện nghiêm đăng ký hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu, đăng ký thay đổi hạn mức nhập khẩu tối thiểu theo quy định và thực hiện duy trì dự trữ xăng dầu bắt buộc theo quy định...