Xuất khẩu tăng, thực lực của doanh nghiệp “nội” đang cải thiện
Điều này cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đã được cải thiện dù mức nhập siêu của các doanh nghiệp này vẫn chưa giảm.
Những bước tiến rất chậm
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến ngày 15/5 là hơn 88,9 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 61,43 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ 69,1% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Con số này đã giảm nhẹ từ mức 70,4% của cả năm 2018 và 71,1% của cả năm 2017.
Ở góc khác của bức tranh xuất nhập khẩu, điểm đáng chú ý trong nhiều năm qua là khối doanh nghiệp FDI luôn duy trì trạng thái xuất siêu. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước luôn có trạng thái nhập siêu.
Sản xuất ván gỗ xuất khẩu.
Cụ thể, tính từ đầu năm nay đến ngày 15/5, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 9,85 tỷ USD trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 10,85 tỷ USD. Xu thế này đã từng diễn ra nhiều năm trước đó với mức xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, trong khi nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước cũng tăng.
Trong hai năm 2017 và 2018, doanh nghiệp FDI xuất siêu lần lượt hơn 25,81 tỷ USD và hơn 29,8 tỷ USD, trong khi đó, doanh nghiệp trong nước nhập siêu lần lượt hơn 22,9 tỷ USD và hơn 23,1 tỷ USD.
Nhiều năm theo dõi biến động xuất nhập khẩu của nền kinh tế, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết: “Năm 1989, khi mới vào Việt Nam, khối doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp vài phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này đạt mức gần 20% trong những năm đầu của thập niên 1990 và sau đó tăng lên mức trên 70% trong năm 2018.
Kim ngạch và tỷ lệ xuất khẩu của khối doanh nghiệp này liên tục tăng là bởi vì ngay từ khi vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đã có định hướng xuất khẩu. Họ có thị trường, có quan hệ thương mại với nhiều thị trường lớn nên chiếm lợi thế”.
Mãi đến những tháng đầu năm nay, xu hướng này mới bắt đầu đảo chiều, tức là, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đang giảm nhẹ. Theo ông Phương, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy doanh nghiệp trong nước đang dần cải thiện năng lực xuất khẩu, dù tốc độ cải thiện khá chậm và cơ cấu hàng hoá xuất khẩu chưa chuyển biến mạnh mẽ, chúng ta vẫn xuất khẩu nhiều hàng hoá nguyên liệu và hàng gia công đơn giản.
Tận dụng cơ hội để tăng nội lực
Một điểm đáng chú ý khác trong bức tranh xuất nhập khẩu nhiều năm qua là trạng thái xuất siêu trong cán cân thương mại hàng hóa của cả nước gần như trông cậy hoàn toàn vào khả năng xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI. Hay nói cách khác, trị giá xuất siêu của doanh nghiệp FDI phải vượt trị giá nhập siêu của doanh nghiệp trong nước thì cán cân thương mại hàng hóa nói chung mới có thể ở trạng thái xuất siêu.
“Đúng là doanh nghiệp trong nước có cải thiện về năng lực sản xuất để gia tăng khả năng thâm nhập thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mức độ cải thiện của doanh nghiệp Việt Nam còn chậm nên vẫn lu mờ trước khối doanh nghiệp FDI. Sự so sánh này cho thấy cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa, tận dụng các mặt tích cực từ nguồn vốn FDI để cải thiện năng lực sản xuất trong nước nói chung và của doanh nghiệp trong nước nói riêng”, ông Lê Quốc Phương nói.
Ở khía cạnh khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có tác động đến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Nhìn từ góc độ tích cực, hàng Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao. “Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi có nhiều loại hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ mà Việt Nam chưa sản xuất được”, ông Phương nói.
“Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đầu năm nay và diễn biến trên thị trường thế giới, có thể dự đoán các mục tiêu xuất khẩu năm 2019 là khả thi. Dù vậy, không nên chủ quan và cần tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực, nắm bắt tốt, tận dụng ưu thế từ dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI để tăng năng suất lao động, tăng tiềm lực cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.