Xuất siêu gần 4 tỷ USD gỗ và lâm sản trong 6 tháng đầu năm

05/07/2019 17:22 GMT+7
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành gỗ và lâm sản xuất siêu gần 4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Ảnh minh họa.

Ngày 5/7, Tổng cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết Công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Ước cả năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, ngành gỗ và lâm sản xuất siêu ước khoảng gần 4 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Phát biểu  tại hội nghị , Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2019 là một năm thức thách rất lớn, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bối cảnh kinh tế thế giới mới tác động đối với ngành nông nghiệp, thách thức này đã được Bộ nhân diện từ cuối năm 2018.

Riêng với ngành lâm nghiệp, đây là thời kỳ bước ngoặt, từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 43%, đặc biệt, từ một ngành lâm nghiệp đã chuyển thành nền kinh tế lâm nghiệp thông qua Luật Lâm nghiệp tiến bộ nhất trong lịch sử.

Theo Bộ trưởng, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 ước đạt 11 tỷ USD, qua đó góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu chung của cả ngành.

Bộ trưởng cũng chỉ ra, ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiểm năng mảng dược liệu, có thể thu về tỉ đô nếu biết quản lý khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để chuyển trạng thái để có được bước phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.

“Đặc biệt, với việc một loạt hiệp định thương mại thế hệ mới tiến bộ đã được thông qua, vấn đề nguyên liệu và nguồn gốc gỗ hợp pháp là điều tất yếu trong xu thế hội nhập của ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, công tác phòng chống cháy rừng cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa. Biến đối khí hậu nắng nóng suốt hơn tháng qua khiến nguy cơ cháy rừng khu vực miền Trung vẫn ở mức nguy cơ rất cao.

Về lâu dài, phải xây dựng được một khuôn khổ chính sách phù hợp trong phòng chống cháy rừng mang tính bền vững. Tổng rà soát công tác quản lý để tránh trục lợi chính sách. Cần phải xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng cho từng khu vực” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục