10 thương vụ IPO “khủng” nhất nước Mỹ trong thập kỷ qua
2019 có thể sẽ rất “nóng” với nhiều thương vụ IPO lớn (IPO - phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Với sự mở màn của Lyft, một công ty chia sẻ chuyến đi, các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi những vụ IPO hoành tráng như Uber, Airbnb, SpaceX, Pinterest, Slack và một loạt các công ty khác dự kiến sẽ chào sàn trong năm nay.
Nhìn lại thập kỷ vừa qua, dưới đây là 10 thương vụ IPO hàng đầu của Mỹ dựa trên định giá tại thời điểm ra mắt, không bao gồm bảo lãnh phát hành vượt mức.
1. Tập đoàn Alibaba (BABA)
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc được định giá lên tới 21,7 tỷ đô la khi lên sàn vào ngày 19/9/2014. Alibaba không chỉ là thương vụ IPO lớn nhất của Mỹ trong thập kỷ qua, mà nó vẫn là thương vụ IPO lớn nhất thế giới.
Jack Ma, chủ tịch của Alibaba sử dụng điện thoại thông minh của mình để ghi lại sự kiện khai mạc Lễ hội mua sắm toàn cầu 11.11 của Alibaba được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào Chủ nhật, ngày 11/11/2018. Bắt đầu từ mười năm trước, Ngày quảng cáo trực tuyến với 7,8 triệu đô la Mỹ doanh số giờ đã phát triển thành sự kiện thương mại điện tử lớn nhất thế giới, tạo ra 25,3 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017. Ảnh AP / Ng Han Guan.
Giá chứng khoán của Alibaba cho đợt IPO này là 68 đô la nhưng đã mở bán ở mức 92,70 đô la và trước khi kết thúc ngày giao dịch đầu tiên đã đạt mức 93,89 đô la. Một năm sau IPO, cổ phiếu của hàng này đã giảm 3% nhưng tới thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng hơn 170% so với thời điểm lên sàn.
2. Facebook (FB)
Facebook ra mắt thị trường chứng khoán vào ngày 18/5/2012 là một trong những vụ IPO được mong đợi nhất trong thập kỷ qua. Công ty truyền thông xã hội được định giá 16 tỷ đô la tại thời điểm IPO và có giá 38 đô la một cổ phiếu. Trục trặc kỹ thuật tại Nasdaq đã cản trở Facebook trong ngày đầu tiên giao dịch và cổ phiếu đóng cửa ở mức 38,23 đô la. Mặc dù các nhà đầu tư đã vô cùng hào hứng với vụ IPO của Facebook, nhưng trong năm đầu tiên lên sàn, giao dịch cổ phiếu này gặp khá nhiều khó khăn. Facebook đã có một vụ IPO “xịt” thảm họa khi cổ phiếu giảm gần 40% chỉ một năm sau khi ra mắt công chúng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia vụ IPO này cũng đã được tưởng thưởng xứng đáng. Cổ phiếu của Facebook đã tăng gần 360% kể từ khi IPO.
3. General Motors (GM)
Năm nay là kỷ niệm 10 năm IPO của hãng ô tô General Motors. GM đã được định giá 15,8 tỷ đô la vào thời điểm IPO ngày 18/11/2010. Cổ phiếu của hàng này có giá 33 đô la và đóng cửa ngày đầu tiên giao dịch cao hơn 3%, đạt mức 34,19 đô la/cổ phiếu. Cổ phiếu GM đã giảm 34% trong năm đầu tiên giao dịch và tăng khiêm tốn 18% kể từ khi ra mắt.
4. HCA Healthcare (HCA)
HCA Healthcare chào sàn vào ngày 10/3/2011 và là thương vụ IPO ngành y tế lớn nhất trong thập kỷ qua. Công ty được định giá 3,8 tỷ đô la tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với mỗi cổ phiếu có giá 30 đô la. Cổ phiếu HCA đã đóng cửa ngày đầu tiên giao dịch ở mức 31,02 USD/cổ phiếu và giảm gần 15% trong năm đầu tiên. Mặc dù khởi đầu “nhẹ nhàng”, nhưng cổ phiếu HCA đã tăng vọt hơn 345% kể từ khi IPO.
5. Snap (SNAP)
Gã khổng lồ truyền thông xã hội Snap có lẽ là thương vụ IPO công nghệ được mong đợi nhất kể từ sau Facebook. Snap ra mắt thị trường chứng khoản vào ngày 2/3/2017 với định giá 3,4 tỷ đô la. Cổ phiếu có giá 17 đô la và đóng cửa ngày đầu tiên giao dịch ở mức 24,48 đô la.
Logo Snapchat nhìn qua kính vỡ, ngày 11/5/2017. Ảnh REUTERS / Dado Ruvic.
Cổ phiếu Snap đã tăng 5% trong năm đầu tiên, nhưng sau đó lại giảm dần. Sau sự ra đi của một loạt cán bộ điều hành cấp cao, công ty này đã phải vật lộn để lấy lại chỗ đứng của mình khi cổ phiếu đã giảm 34% kể từ khi thời điểm IPO.
6. Tập đoàn Tài chính Citizens (CFG)
Tập đoàn tài chính Citizens đã lên sàn vào ngày 24/9/2014 với mức định giá 3 tỷ đô la. Cổ phiếu có giá 21,50 đô la và đóng cửa ngày đầu tiên giao dịch ở mức 23,08 đô la và đúng một năm sau đó cũng vẫn giữ nguyên ở mức 23,24 đô la. Trong hơn bốn năm kể từ khi công ty này IPO, cổ phiếu đã tăng 59%.
7. Ngân hàng Banco Santander México (BSMX)
Cùng năm với Facebook, ngân hàng Tây Ban Nha Banco Santander đã ra mắt trên thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày 26/9/2012 với mức định giá 2,9 tỷ đô la.
Ứng dụng trên điện thoại của Banco Santander
Cổ phiếu được định giá 12,18 đô la và đóng cửa ngày đầu tiên giao dịch với mức tăng gần 6%, đạt 12,91 đô la. Cổ phiếu ngân hàng đã tăng 17% trong năm đầu tiên, nhưng đã giảm hơn 43% kể từ khi IPO.
8. Công ty Tài chính Synchrony (SYF)
SYF của Tài chính Synchrony ra mắt vào ngày 31/7/2014 và được coi là đợt IPO lớn nhất trong năm tại thời điểm đó với mức định giá 2,9 tỷ đô la. Đây là doanh nghiệp tài chính bán lẻ Bắc Mỹ được tách ra từ bộ phận tài chính của General Electric. Cổ phiếu này có giá 23 đô la và đóng cửa vẫn mức giá này trong ngày đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Kể từ khi IPO, cổ phiếu của họ đã tăng 41%.
9. Kinder Morgan (KMI)
Đại gia đường ống dẫn dầu và khí đốt Kinder Morgan đã ra mắt trên thị trường chứng khoán New York vào ngày 11/2/2011 với mức định giá 2,9 tỷ đô la. Vào thời điểm đó, đây là IPO được hỗ trợ bằng vốn cổ phần tư nhân lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cổ phiếu được định giá 30 đô la và tăng 3,5% trong ngày đầu tiên giao dịch. Một năm sau IPO, cổ phiếu đã tăng gần 8% nhưng kể từ đó đã giảm hơn 33% so với thời điểm ra mắt.
10. Plains GP Holdings (PAGP)
Vào ngày 16/10/2013, công ty đường ống dẫn dầu Plains GP Holdings đã chào bán cổ phiếu trong đợt IPO lớn nhất Hoa Kỳ năm 2013 với 2,8 tỷ đô la. Giá cổ phiếu là 22 đô la và đóng cửa cao hơn 166% ở mức 58,67 đô la mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu của công ty năng lượng này đã tăng vọt 228% một năm sau khi ra mắt công chúng, nhưng sau đó đã sớm quay trở lại vạch xuất phát. Cổ phiếu của hàng này chỉ tăng khiêm tốn 14% kể từ khi IPO.