12 cựu quan chức "chây ì" không chịu trả nhà công vụ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
12 cựu quan chức nói trên, chủ yếu mang hàm Thứ trưởng và tương đương đã bị nêu đích danh về việc "chây ỳ" trong vấn đề trả nhà công vụ. Trong đó có 3 người nguyên là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 2 người nguyên là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; 1 người nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 1 người nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 1 người nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…
Cũng theo danh sách của Bộ Xây dựng công bố còn có nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp); nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương...
Đáng lưu ý thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này nhiều lần nhưng họ vẫn chưa trả nhà công vụ cho Nhà nước.
Được biết, theo quyết định 27 năm 2015 của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2.
Trong trường hợp các cựu quan chức này ở cùng gia đình sẽ được cộng thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình.
12 quan chức nói trên cũng được nhà nước trang bị nội thất các căn hộ công vụ gồm bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc.
Định mức trang bị nội thất cho căn hộ công vụ loại 2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách khoảng 160 triệu đồng/căn, trường hợp trượt giá được điều chỉnh tăng định mức cho phù hợp.
Chung cư thương mại CT1 - CT2, khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có khoảng 342 căn hộ, trong đó có 76 căn hộ công vụ của Chính phủ hiện do Bộ Xây dựng đang quản lý, bố trí cho cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Trung ương thuê.
Bình luận về vấn đề này trên báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng: Cần phải nêu tên những người đó lên các phương tiện thông tin đại chúng, cần phải để họ nhận thức được rằng khi họ thôi làm công vụ rồi thì họ phải trả lại tài sản cho Nhà nước. "Rõ như ban ngày thế, làm sao chây ỳ được", ông Tiến nói.
Ông Tiến là người từng gây xúc động khi chủ động đề nghị bàn giao phòng làm việc và trả lại xe công cho Văn phòng Quốc hội, nơi ông công tác, trước thời điểm chính thức nghỉ hưu.
"Thời điểm còn công tác tôi đã từng nhiều lần nói vấn đề này trước nghị trường Quốc hội. Vấn đề nhiều quan chức cố tình chây ì trong trả nhà công vụ thể hiện sự không nghiêm túc trong thực hiện pháp luật. Nhà công vụ là nhà để cho mình ở trong thời gian làm công vụ, khi mình đã thôi công việc rồi thì phải trả lại cho Nhà nước chứ không nên làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh", ông Tiến nói.
Về giải pháp, theo ông Tiến, trong trường hợp những cựu quan chức kia cứ "chây ỳ" thì Chính phủ, Bộ Xây dựng phải thống kê những người đó, thông tin đến cơ quan chủ quản, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là những người A,B,C này cố tình chây ỳ, không chịu trả nhà cho Nhà nước.
"Lần trước tôi từng có kiến nghị về giải pháp này và có vẻ có hiệu quả khi 56 nhà công vụ được giả luôn. Vậy thì bây giờ tại sao chúng ta không làm được? Đó cũng sẽ là tiếng chuông cảnh báo để họ biết họ là những người hoàn thành nhiệm vụ, hết nhiệm kỳ rồi, phải trả nhà cho Nhà nước. Vì danh dự con người lớn hơn mấy mét vuông nhà nhiều. Ai đó nghĩ rằng danh dự của mình không bằng mấy chục mét vuông nhà thì đấy là việc của họ. Còn ai còn danh dự thì họ sẽ vui vẻ sẵn sàng trả ngay. Đó mới là những con người có lòng tự trọng", ông Lê Như Tiến nói.