24 triệu người châu Á khó thoát nghèo đói vì dịch Covid-19

31/03/2020 16:58 GMT+7
Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 có thể khiến 24 triệu người ở Châu Á Thái Bình Dương không thoát cảnh nghèo đói năm nay, theo ngân hàng Thế giới World Bank.
24 triệu người Châu Á khó thoát nghèo đói, nguy cơ khủng hoảng lương thực do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Trong báo cáo vào ngày hôm qua, World Bank cảnh báo rủi ro lớn với những nền kinh tế Châu Á đang chao đảo vì đại dịch, gồm ngành du lịch ở Thái Lan và các quốc gia như Maldives, Palau… phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế, các nhà máy ở Việt Nam và Campuchia phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

World Bank kêu gọi các quốc gia đầu tư vào mở rộng các nhà máy sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, cũng như tìm ra các biện pháp kịp thời như xây dựng bệnh viện dã chiến và nhanh chóng đào tạo nhân viên y tế để ứng biến kịp thời, cũng như hỗ trợ người dân trong hoàn cảnh bị buộc nghỉ việc. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi đại dịch, theo Ngân hàng Thế giới. Các quốc gia trong khu vực cần hợp lực chống lại dịch bệnh và tiếp tục hoạt động thương mại kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất; không làm gián đoạn chuỗi cung ứng thiết bị cũng như dịch vụ y tế. Một trong những kiến nghị bao gồm hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân để kích cầu đầu tư cũng như chi tiêu.

Với các quốc gia nghèo ở khu vực vốn đã chịu gánh nặng với nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình, miễn trừ hay đáo hạn nợ là biện pháp quan trọng, để tập trung nguồn lực cần thiết vào giải quyết hệ quả kinh tế từ dịch bệnh. 

Theo báo cáo của World Bank, trong kịch bản xấu nhất, 35 triệu người trên toàn cầu sẽ tiếp tục sống trong tình trạng nghèo đói, bao gồm 25 triệu người chỉ tính riêng ở Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế ở Châu Á- Thái Bình Dương sẽ giảm xuống 2,1% trong năm 2020, so với mức tăng 5,8% dự đoán trước đó. Tăng trưởng Trung Quốc được dự đoán giảm xuống 2,3% trong năm 2020.

Đại dịch Covid-19 cũng được dự đoán có thể giáng đòn nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và khiến giá cả tăng vọt, đặc biệt với các nền kinh tế vốn đã không có nền tảng cung ứng vững chắc. Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung ứng thực phẩm, với sản lượng gạo chỉ đủ để cung cấp cho hơn 1,4 triệu người dân. Trong khi đó nước này phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản khác như đậu nành… điều có thể khiến giá lương thực tăng mạnh và gây khó khăn cho tiêu thụ nội địa.

FAO thông báo vào tuần trước đã thấy dấu hiệu chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa nhiều quốc gia, và hiện trạng này có thể kéo dài trong những tháng tới. Trong nhiều tuần gần đây, hạn chế xuất khẩu đã giáng đòn vào mức tiêu thụ những loại thực phẩm thiết yếu như gạo, lúa mì, điều này được dự đoán có thể khiến thị trường thực phẩm toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, khiến người dân càng muốn mua về tích trữ. Vì thế, nếu đại dịch không thể được kiểm soát sớm, nó có thể dẫn tới khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng và trực tiếp đe dọa an ninh lương thực ở Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển. 

Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới thông báo vào tuần trước đang lên kế hoạch dự trữ lương thực và ngưng các hợp đồng xuất khẩu cho đến cuối tháng. Thái Lan đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu trứng gà trong 1 tuần trước tình hình thiếu cung ứng nội địa do nhu cầu và giá thành trong nước tăng. Trung Quốc vốn đã đối mặt với giá thịt lợn nhập khẩu tăng 60%, giờ lo ngại vì chuỗi cung ứng đậu nành phụ thuộc vào Brazil, Mỹ và Argentina. Với một số thực phẩm khác như cá hồi, tôm.. chuỗi cung ứng cũng đang bị tác động và gián đoạn từ các quốc gia xuất khẩu như Ấn Độ, Việt Nam và Na Uy.

Úc, quốc gia xuất khẩu thực phẩm lớn trên thế giới, đang đối mặt với việc thiếu nguồn cung ứng do người dân hoảng loạn mua sắm tích trữ, vấn đề của Úc nằm ở quá trình phân phối kịp thời để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Vân Anh
Cùng chuyên mục