5,3 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên toàn cầu thì gần 4 tỷ liều tập trung ở 10 quốc gia

07/09/2021 13:24 GMT+7
“Cam kết là một chuyện, nhưng chúng ta cần các nước giàu thực hiện những cam kết (tài trợ vắc xin cho các nước nghèo". Tính đến tuần trước, mới chỉ có 89 triệu liều vắc xin được phân phối lại từ các quốc gia giàu sang các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình”.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark hôm 6/9 tuyên bố thế giới “rất cần” các quốc gia giàu có thực hiện cam kết tài trợ vắc xin Covid-19 cho các quốc gia nghèo trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan đang khiến số ca nhiễm mới tăng vọt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bình luận được đưa ra sau khi cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế nhóm G-20, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thuận rằng cần đảm bảo vắc xin Covid-19 đến được với mọi người dân, kể cả tại những quốc gia nghèo nhất.

“Cam kết là một chuyện, nhưng chúng ta cần các nước giàu thực hiện những cam kết (tài trợ vắc xin cho các nước nghèo). Tính đến tuần trước, mới chỉ có 89 triệu liều vắc xin được phân phối lại từ các quốc gia giàu sang các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình” - bà Helen Clark nhấn mạnh. 

Hiện bà Helen Clark là đồng chủ trì một hội đồng độc lập do Tổ chức Y tế Thế giới WHO thành lập để xem xét khả năng chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trên toàn cầu. Hội đồng này đã công bố một báo cáo hồi tháng 5 năm nay, trong đó khuyến nghị các quốc gia giàu nên tài trợ ít nhất một tỷ liều vắc xin Covid cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trước ngày 1/9 và ít nhất 1 tỷ liều khác từ nay cho đến giữa năm 2022.

5,3 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên toàn cầu thì gần 4 tỷ liều tập trung ở 10 quốc gia - Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark (Nguồn: Britanica)

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần trước cũng chỉ ra rằng trong số hơn 5,3 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu (tính đến hôm 5/9), gần 75% (tương đương gần 4 tỷ liều) được tập trung ở 10 quốc gia tiên tiến. Ông Tedros đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia giàu có tạo cơ hội tiếp cận vắc xin cho những quốc gia nghèo hơn để thế giới đạt tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi và đồng đều hơn trên toàn cầu.

Gần đây nhất, Tổng giám đốc WHO đã lên tiếng phản đối việc các quốc gia giàu thúc đẩy tiêm liều vắc xin bổ sung thứ ba trong bối cảnh nhiều quốc gia nghèo thiếu vắc xin trầm trọng. “Tôi đã kêu gọi tạm ngừng tiêm liều vắc xin tăng cường để chuyển nguồn cung vắc xin này cho những quốc gia đang thiếu vắc xin trầm trọng, chưa thể tiêm cho nhân viên y tế hay những quốc gia có nguy cơ cao và đang trải qua các đợt bùng phát dịch nguy hiểm”. Tuyên bố của WHO cho hay không có bằng chứng khoa học mạnh mẽ nào chỉ ra rằng cần tiêm nhắc lại liều vắc xin thứ ba để tăng cường hệ miễn dịch. Thay vào đó, liều vắc xin bổ sung này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự chênh lệch phân bổ vắc xin trên toàn cầu. 

Điều này trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden đã gọi mũi tiêm bổ sung này là “phương pháp tốt nhất để bảo vệ công dân khỏi các biến thể mới có thể xuất hiện”. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC của Mỹ, ước tính có khoảng 50% người Mỹ đã hoàn thành việc tiêm phòng đủ 2 liều vắc xin Covid-19. Nhưng do sự lây lan của biến thể Delta nguy hiểm, số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 vẫn đang gia tăng, tạo nên thách thức lớn cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Do đó gần đây, chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm bổ sung một liều vắc xin Covid-19 nhắc lại cho mỗi công dân trưởng thành để tăng cường hệ miễn dịch, qua đó bảo vệ đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. 

Không chỉ riêng nước Mỹ, một số quốc gia như Đức và Pháp cũng quyết định tiêm liều vắc xin tăng cường cho nhóm người lớn tuổi bắt đầu từ tháng tới. Vương quốc Anh cũng đang xem xét việc tiêm bổ sung liều vắc xin thứ ba. Israel, một trong những quốc gia từng dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, cũng đang bắt đầu tiêm chủng liều vắc xin bổ sung.

Ngay tại Nhật Bản, quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp đáng kể so với các nước phát triển, cũng đang cân nhắc tiêm bổ sung mũi tăng cường. Taro Kono, quan chức cấp cao Nhật Bản phụ trách vấn đề tiêm chủng vắc xin cho hay: “Nếu các mũi tiêm nhắc lại được đánh giá là cần thiết cho các nhân viên y tế tham gia điều trị Covid-19 thì chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị để tiêm liều tăng cường”.

Nhìn chung cho đến nay, theo dữ liệu từ Our World in Data, tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia giàu hiện đã vượt quá 100 liều cho mỗi 100 người dân, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cũng rất cao, theo dữ liệu của Our World in Data. Nhưng ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ này là 1,8 liều trên 100 người. Ở châu Phi, nơi chủ yếu phụ thuộc vào Sáng kiến COVAX để có vắc xin, số ca tử vong hàng tuần đã tăng lên mức kỷ lục trong bối cảnh thiếu vắc xin trầm trọng.

Nhà dịch tễ học nổi tiếng Larry Brilliant cũng khẳng định trên tờ CNBC rằng cần tăng tốc tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu để hạn chế sự xuất hiện của các biến thể virus mới, qua đó tiến đến chấm dứt đại dịch. 


NTTD
Cùng chuyên mục