6 tháng phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền
"6 tháng đầu năm 2019, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 văn bản quy phạm pháp luật và bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền, 66 văn bản trong số đó đã được xử lý", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, so với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (giữa) chủ trì hội nghị.
Bộ, ngành, địa phương đều giảm
Cụ thể, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 văn bản quy phạm pháp luật, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương ban hành 1.293 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh tăng 1,7%, 391 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện, giảm 57,6% và 1.758 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2018.
Về công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, 6 tháng qua các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 văn bản quy phạm pháp luật.
Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền và 66 trong số 122 văn bản đã được xử lý. Trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản và phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 12 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Bộ đã tập trung mạnh vào việc xử lý các văn bản trái pháp luật. Đến nay, có 29 trong tổng số 82 văn bản đã được xử lý. Trong nửa đầu năm 2019, ngành tư pháp cũng đã mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đến 51 tỉnh/thành phố, tăng thêm 13 địa phương so với cuối năm 2018.
Đến nay, hệ thống ghi nhận 7.944.126 hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó có 2.333.220 hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân và có 16.045.341 thông tin công dân đã được thu thập.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch vào Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (trục NGSP) để triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.
Báo cáo về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ ngày 1/10/2018 đến hết tháng 5/2019 có tổng số phải thi hành 758.323 việc, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó số có điều kiện thi hành là 558.468 việc và đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24%, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số tiền phải thi hành là hơn 231.401 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 149.246 tỷ và đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01%, giảm 0,57% so với cùng kỳ năm 2018.
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính trong 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 1.057 bản án, quyết định, trong đó có 198 bản án, quyết định có nội dung theo dõi. Bên cạnh đó, còn có 217 bản án, quyết định từ kỳ trước chuyển sang có nội dung tiếp tục theo dõi.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 365 việc, đăng tải công khai 101 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án. Đến nay, đã thi hành xong 103 việc, còn 312 việc đang tiếp tục thi hành.
Xử lý văn bản liên quan kinh tế
Bàn về công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, ngành tư pháp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo phù hợp với nguồn nhân lực và nguồn kinh phí.
Do đó, trong thời gian tới cần tập trung thêm một số nội dung như xây dựng luật, pháp lệnh, cần lưu tâm hơn tới chất lượng và thời hạn của các hồ sơ trình cũng như nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ pháp chế các bộ, ngành, nhất là trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/CP, trong đó chú ý việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng xếp hạng các chỉ số "Chi phí tuân thủ pháp luật".
Đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong bối cảnh bỏ quy hoạch công chứng, trong đó lưu ý đến vấn đề đảm bảo quản lý nhà nước về công chứng, tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động này để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các văn phòng công chứng thành lập ồ ạt...
Liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn có những trường hợp tại địa phương chưa phân định rạch ròi thuộc quản lý nhà nước của bộ, ngành nào. Do vậy các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và có biện pháp xử lý.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: "6 tháng cuối năm, bên cạnh những thuận lợi từ các FTA mới đàm phán, ký kết thành công, kinh tế - xã hội nước ta dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa các nước lớn sẽ tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có cả vấn đề pháp lý.
Do đó, cần tập trung ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết. Chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản liên quan đến điều hành kinh tế...".