Bà Merkel rời chính trường: Quan hệ kinh tế Đức - Trung Quốc có chuyển hướng?

18/09/2021 09:52 GMT+7
Kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Trong năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt tới 258 tỷ USD, tăng 3% bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Tại cảng Hamburg của nước Đức, hình ảnh những chiếc cần cẩu khổng lồ do Trung Quốc chế tạo liên tục hoạt động hết công suất, bốc dỡ hàng từ hầm chức con tàu container CSCL Mars với chiều dài gấp 3 lần sân bóng đá thuộc sở hữu của hãng vận tải Trung Quốc Cosco Shipping không phải là cảnh tượng xa lạ.

Kết nối đường sắt nhộn nhịp từ Hamburg, Đức đến các khu vực nội địa châu Âu đã biến thành phố cảng này thành một điểm liên kết chính của các tuyến vận tải đường bộ và đường biển nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Bắc Kinh khởi xướng. Trung Quốc chiếm tới 1/3 sản lượng hàng hóa của Hamburg. Thành phố nước Đức này cũng là nơi Cosco Shipping - công ty vận tải quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc chọn làm trụ sở chính ở châu Âu.

Hàng hóa đi từ cảng Hamburg của Đức đến cảng Thâm Quyến và Ninh Ba của Trung Quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ kinh tế - thương mại chặt chẽ giữa hai nước trong những năm qua. Ô tô, hóa chất và máy móc công nghiệp được xuất khẩu từ Đức. Ở chiều ngược lại, các chuyến tàu từ Trung Quốc đưa smartphone, máy tính, thiết bị gia dụng, quần áo may mặc trở lại. 

Mặc dù cán cân thương mại tại Hamburg hiện đang cân bằng, nhưng ngày càng nhiều chính khách quan ngại mối quan hệ Đức - Trung Quốc đang đi chệch hướng. Nhất là khi tại các nước phương Tây, những cáo buộc về hoạt động cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Trung Quốc đang ngày một tăng lên, gây áp lực cho Đức chọn một hướng đi mới.

Bà Merkel rời chính trường: Quan hệ kinh tế Đức - Trung Quốc có chuyển hướng? - Ảnh 1.

Dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Đức (Ảnh: Nazionale)

Bà Merkel rời chính trường: quan hệ Đức - Trung Quốc liệu có chuyển hướng?

Trước khi bà Angela Merkel lên làm Thủ tướng Đức vào năm 2005, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký một thỏa thuận đối tác với Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy “quá trình chuyển đổi thành công sang một quốc gia ổn định, thịnh vượng và cởi mở với nền dân chủ hoàn thiện, các nguyên tắc thị trường tự do và pháp quyền”. Các doanh nghiệp Đức tiến vào Trung Quốc đã thu được nhiều lợi ích trong quá trình nước này vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Trong năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt tới 258 tỷ USD, tăng 3% bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. 

Reinhard Bütikofer, một nghị sĩ của Đảng Xanh và là một trong những nhà phê bình Trung Quốc gay gắt nhất tại Đức cho hay: “Chính sách Trung Quốc của Đức đang không cân bằng mà nghiêng về lợi ích của một số tập đoàn đa quốc gia. Điều đó chắc chắn sẽ phải trả giá bằng các giá trị và mối quan tâm về an ninh quốc gia”. Đầu năm nay, ông Bütikofer là một trong nhiều quan chức châu Âu bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt do chỉ trích Bắc Kinh.

Ngay sau đó, sự giận dữ của Bắc Kinh đã được xoa dịu bằng một thỏa thuận thương mại giữa EU với Trung Quốc được chờ đợi từ lâu. Thỏa thuận này vốn là ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng EU của Đức vào năm 2020. Nhưng các quan chức từ một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Ba Lan và Ý đã ngỏ ý rằng  mối quan tâm của họ bị gạt sang một bên khi Đức cố gắng đẩy thỏa thuận này về đích.

Giờ đây, khi bà Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở, mối quan hệ mật thiết giữa Đức và Trung Quốc có khả năng rẽ hướng.

Dư luận Đức ủng hộ cứng rắn với Trung Quốc

Đảng Xanh, Đảng có khả năng chiếm một phần trong chính phủ mới của Đức hiện đang gây chú ý với quan điểm chống lại Trung Quốc. Ông Bütikofer cho hay: “Sau cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ thay đổi (cách tiếp cận với Trung Quốc) theo hướng gần với châu  Âu hơn. Một cách tiếp cận phản biện hơn, phù hợp với quan điểm của công chúng Đức và thái độ của các hiệp hội công nghiệp lớn.”

Tuy nhiên, người kế nhiệm của bà Merkel là ông Armin Laschet vẫn tiếp tục cách tiếp cận ôn hòa của mình. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo ca ngợi việc Trung Quốc phát triển Duisberg như một trung tâm kết nối đường sắt nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời bảo vệ các mối quan hệ thương mại song phương.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1, bà Angela Merkel từng bày tỏ kỳ vọng tránh sự phân chia chính trị toàn cầu thành các phe ủng hộ Mỹ và thân Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Al Jazeera, đa số dư luận Đức không mấy thân thiện với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò do Forsa công bố vào tháng 8 cho thấy 58% người được hỏi muốn chính phủ có đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Nils Schmid, phát ngôn viên đối ngoại của Đảng Dân chủ Xã hội, tổ chức đứng sau các cuộc thăm dò này cho hay chính sách với Trung Quốc sẽ phải thay đổi.


NTTD
Cùng chuyên mục