Bắc Ninh xây dựng danh mục nông sản chủ lực, khuyến khích đầu tư
Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tỉnh xác định thuộc hai lĩnh vực bao gồm sản xuất giống với lợn giống, gà giống, cá giống; sản xuất thương phẩm với rau củ quả, gạo chất lượng cao, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá thương phẩm (cá thịt), đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm từ mây, tre, trúc. Đây là các sản phẩm thế mạnh của Bắc Ninh, đáp ứng được các tiêu chí về sản phẩm ưu tiên phát triển, tiêu chí về kinh tế (quy mô sản xuất và tiềm năng thị trường), tiêu chí về xã hội và môi trường.
Giống gà Hồ
Với sản phẩm lợn giống, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đã du nhập các giống thuần như lợn Landrace, Yorshire, Duroc... hoặc nuôi giữ giống lợn bản địa như lợn Móng Cái, lợn Ỷ, tạo ra đàn giống đa dạng về chủng loại, năng suất, chất lượng cao, không những đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp con giống có uy tín, chất lượng tốt cho các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam... hàng năm xuất ra thị trường 1,2 triệu con lợn giống thương phẩm.
Với sản phẩm gà giống, toàn tỉnh có 12 cơ sở chuyên sản xuất giống gà với hơn 500.000 con gà bố mẹ gồm các giống như JA 57, gà Mía, gà Nòi, gà Hồ, gà trứng xanh, gà lông màu... hàng năm sản xuất ra khoảng 30 triệu con giống thương phẩm.
Với sản phẩm cá giống, toàn tỉnh có 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh cá giống, năm 2018 lượng cung cấp ra thị trường 116,8 triệu con cá bột, cá hương 74,2 triệu con, cá giống 44 triệu con.
Với sản phẩm rau, củ quả, Bắc Ninh đã hình thành 66 vùng sản xuất rau tập trung quy mô từ 5 ha trở lên, khoảng 3.000 ha sản xuất rau theo hướng an toàn, chiếm 32% tổng diện tích rau, 14 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và chứng nhận rau VietGAP với tổng diện tích hàng trăm ha.
Với sản phẩm gạo chất lượng cao, toàn tỉnh có 263 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 5 ha trở lên, 5 cơ sở sản xuất lúa đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tổng diện tích 110 ha. Tỉnh đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo tẻ thơm Quế Võ”.
Với sản phẩm thịt lợn, thịt, trứng gia cầm, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ (Thuận Thành), Văn Môn (Yên Phong), Lai Hạ (Lương Tài) tạo vùng nguyên liệu cho chuỗi liên kết với doanh nghiệp giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia súc, gia cầm như Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco thuộc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm an toàn Vikofood; Nhà máy chế biến thực phẩm Vissan...
Với sản phẩm cá thương phẩm (cá thịt), toàn tỉnh đã hình thành 167 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung (quy mô 10 ha trở lên), trong đó diện tích có sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường là 1.875 ha, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông cho năng suất đạt 4-6 tấn/lồng, thu nhập khoảng 40-60 triệu đồng/lồng/năm.
Với nhóm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm từ mây, tre, trúc, hiện tỉnh đang thực hiện Đề án chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Đề án OCOP), trong đó nhóm ngành hàng đồ gỗ mỹ nghệ (thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, TP Bắc Ninh) và tranh tre (huyện Gia Bình) góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các sản phẩm đồ mỹ nghệ từ gỗ, mây, tre, trúc sản xuất trên địa bàn tỉnh không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...