Báo động nợ xấu - Mua bán nợ “tê liệt”, ngân hàng chật vật rao bán nhà, đất
Thống kê báo cáo tài chính quý III/2021 của gần 30 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng bình quân ở mức trung bình 1,76% (đến cuối tháng 9/2021).
Trong đó, 67% số ngân hàng được thống kê có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trong 9 tháng vừa qua.
Xét về giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu của các ngân hàng được thống kê tại thời điểm cuối tháng 9 đã tăng tới 26% so với đầu năm, vượt 110.000 tỷ đồng.
Báo động nợ xấu, mua bán nợ tại VAMC "tê liệt"
Tỷ lệ nợ xấu tăng do tác động của đại dịch Covid-19 là điều đã nằm trong dự báo của ngành ngân hàng, của các chuyên gia kinh tế. Dù vậy theo các chuyên gia, những con số kể trên vẫn chưa phản ảnh hết được con số nợ xấu thực tế của nền kinh tế do các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,21%. Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu này chỉ ở mức 5,08%.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng lên xấp xỉ 8%, và những hệ lụy của nó có thể kéo dài sang năm 2022.
Trong khi áp lực nợ xấu ngày càng gia tăng, việc xử lý nợ xấu cũng không thuận lợi do vướng những rào cản từ dịch bệnh. Hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC bị "tê liệt" là một trong những minh chứng.
Số liệu cập nhật từ VAMC đến 31/10/2021 cho thấy, cơ quan này đã mua nợ theo giá thị trường với tổng giá mua đạt 1.922 tỷ đồng, chỉ bằng 38,44% kế hoạch cả năm 2021.
Đáng chú ý, VAMC cho biết, kết quả này được thực hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm (giai đoạn Việt Nam đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh).
Sang giai đoạn từ tháng 6/2021 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kết quả cụ thể trong thời gian này.
Không chỉ việc mua nợ gặp khó khăn, hoạt động xử lý nợ xấu cũng đang diễn ra rất chậm dù cơ quan này đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ. Tính đến 30/9/2021, VAMC xử lý được 18.358 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021.
Ngân hàng chật vật phát mại nhà, đất
Trong khi hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC bị "tê liệt", tại các ngân hàng theo chia sẻ của một Phó Tổng giám đốc ngân hàng, nợ xấu đang tăng rất nhanh (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn). Con số nợ xấu tại các ngân hàng nếu "sòng phẳng" sẽ cao hơn nhiều so với các con số ngân hàng đang thể hiện trên các báo cáo tài chính.
Để tránh một "cú sốc" khi nợ xấu lộ diện trong những năm tới, các ngân hàng thực hiện nhiều biện pháp thu hồi những khoản nợ xấu ở thời điểm hiện tại. Thậm chí, ngay trong khoảng thời gian giãn cách xã hội các ngân hàng vẫn rầm rộ rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản cũng không hề dễ dàng với các ngân hàng.
Tại VietinBank – một trong số nhà băng có dư nợ xấu tăng cao tính đến cuối tháng 9/2021, thời gian gần đây liên tục phát mại nhiều tài sản là bất động sản để thu hồi nợ, với kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm vào thời điểm cuối năm 2021, trong đó có nhiều tài sản phải rao bán nhiều lần.
Chẳng hạn, nhà băng này vừa phát đi thông báo đấu giá tài sản (lần 2) là Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Giá trị tài sản gần 15 tỷ đồng.
VietinBank Quảng Nam thông báo về việc bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Tín Hưng với giá trị tài sản gần 58 tỷ đồng. Tài sản bán đấu giá là Quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản gắn liền với đất,…
"Dồn dập rao bán nợ cho thấy áp lực trên vai các ngân hàng rất lớn. Những khoản nợ có tài sản đảm bảo "ngon" sẽ được ngân hàng xử lý một cách dễ dàng, nhưng số lượng này lại rất ít. Trong khi đó, những khoản nợ quy mô lớn dù giảm giá mạnh cũng khó bán vì thường những khoản nợ này phức tạp và đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh", TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng nói với PV Etime.
Hay như tại Vietcombank, nhà băng này cũng đang phát mại nhiều tài sản là biệt thự, nhà ở, đất công nghiệp,...để thu hồi nợ.
Chẳng hạn, Vietcombank chi nhánh Thanh Xuân thông báo phát mại tài sản bảo đảm của công ty cổ phần Phú Tường GSF với giá khởi điểm là hơn 24,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản diện tích hơn 14.500m2 tại xã Ngọc Hòa huyện Chương Mỹ, Hà Nội gồm 2 nhà xưởng sản xuất. Ngoài ra, tài sản còn có dây chuyền máy sạch, tuyển chọn và phân loại ngũ cốc, hệ thống máy móc thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động.
Một bất động sản khác cũng đang được Vietcombank rao bán là Biệt thự BT2-7 Khu ĐTM Nghĩa Đô, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là Phường Cổ Nhuế 1). Phương thức phát mại tài sản này là bán thỏa thuận.
Ngoài ra, Vietcombank rao bán nhiều bất động sản dạng nhà ở/căn hộ khác như bất động sản có diện tích 158m2 và nhà ở diện tích 506,9m2 tại 20-22G, khu phố 3, thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh (nay là đường Tạ Mỹ Duật, phường An Lạc A, quận Bình Tân), Tp. HCM; Đất và nhà ở tại 811 Âu Cơ, Phường Tân Thành, Quận Tân Phú, TP.HCM.
Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều ngân hàng khác như Sacombank, VIB, BIDV,...