Bất bình kiểu làm việc “trên ga, dưới phanh” của cán bộ Nhà nước

06/11/2020 09:14 GMT+7
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho rằng lối làm việc của cán bộ kiểu “trên ga, dưới phanh”, “trên nóng, dưới lạnh”, cơ quan cấp trên từ địa phương tới Trung ương cũng có nhiêu khê.

Chiều 5/11, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, một số đại biểu đã nêu ý kiến thảo luận với quan điểm thẳng thắn về tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách và vấn đề cải cách bộ máy, cán bộ.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) bày tỏ sự quan tâm về dự báo tình hình và tăng trưởng kinh tế năm 2021. Cách đây hơn 5 tháng, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020, xấu nhất là đạt 3,6%, cao nhất đạt 5,2%. Nhưng nay nhìn lại cả hai kịch bản đều chưa sát thực tế.

“Tôi đồng tình dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ về đại dịch COVID-19 và tác động tiêu cực với kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu. Những ngày gần đây tình hình đại dịch có vẻ xấu đi. Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2020. Trong báo cáo của Chính phủ cũng như trong dự thảo nghị quyết Quốc hội, tôi đồng tình, nhưng phân vân” - ông Thống nói.

Gần đây, một số tổ chức quốc tế dự báo là tăng trưởng kinh tế thế giới u ám hơn so với dự báo cách đây 1, 2 tháng, vị đại biểu này đề nghị trong tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng và hạnh phúc. Không nhất thiết đặt ra chỉ tiêu cao, sau đó điều chỉnh liên tục.

Bất bình kiểu làm việc “trên ga, dưới phanh” của cán bộ Nhà nước - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái)

Về ngân sách Nhà nước hoặc liên quan đến ngân sách nhà nước, một số nhận xét của các Ủy ban của Quốc hội về vấn đề này, ông Thống cho rằng rất đáng suy ngẫm như thuế thu nhập doanh nghiệp trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 giảm so với giai đoạn trước. Thu ngân sách Trung ương mấy năm không đạt và các địa phương đều đạt hoặc vượt rất cao.

“Tôi muốn nhấn mạnh thêm là chi thường xuyên ngân sách có giảm, nay còn khoảng 64% nhưng vẫn còn rất cao và chúng ta trong thực tế vẫn còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Đề nghị từ năm 2021, nhất là trong xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2021-2025 cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên” - ông Thống cho biết và đề nghị một số chính sách quy định kiểu đặc thù với một số ngành cần phải rà soát lại, không để dư luận lâu nay râm ran là đặc quyền, chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang.

Về đầu tư công, Quốc hội đã thảo luận nhiều, Chính phủ, địa phương đã chỉ đạo gắt gao, nhưng vẫn có nhiều bất cập kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng đầu tư công. Cần tập trung rà soát các khâu, chuẩn bị phân bổ dự toán, chuẩn bị đầu tư cấp vốn, thời gian cấp vốn, đồng thời làm tốt và kiên quyết tạo được mặt bằng cho các dự án.

“Đương nhiên phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công. Những bất cập trong chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị phân bổ dự toán, tôi nói chuẩn bị là cả một quá trình rất phức tạp. Những bất cập trong việc này là rất phức tạp, tinh vi mà không loại trừ là không lành mạnh. Cho nên cần phải kiểm tra, giám sát ở các khâu đó” - ông Thống cho hay.

Đề cập tới vấn đề cải cách bộ máy và cán bộ, theo đại biểu giảm tổ chức, giảm biên chế, giảm đơn vị hành chính ở cơ sở và tổ chức dưới cơ sở, chắc chắn là tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sự vận hành của cả bộ máy, thực thi công vụ của cán bộ, công chức chúng ta, một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp thì vẫn không hài lòng.

“Mấy năm gần đây, chúng ta hay dùng lối nói ví von “trên ga dưới phanh”, “trên nóng dưới lạnh”. Nói thế chỉ đúng một phần và không toàn diện. Dường như chỉ thấy cấp dưới trì trệ, làm chậm, không quyết liệt. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy một bộ phận nhân dân không hài lòng vì cán bộ nhiêu khê và không ít nơi, không ít cán bộ cấp dưới thấy một bộ phận cán bộ cấp trên, cơ quan cấp trên, tất nhiên cả địa phương và trung ương là cấp trên quản lý, tham mưu là nhiêu khê” - đại biểu Dương Văn Thống thẳng thắn.

Đại biểu đoàn Yên Bái cũng đề nghị phải bổ sung các biện pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức gắn với áp dụng công nghệ hiện đại và công khai, minh bạch trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đề nghị trước Quốc hội vấn đề chi ngân sách, phải tiếp tục thực hiện điều chỉnh chính sách để tiếp tục tái cơ cấu thực chất, hiệu quả hơn, giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên, tăng hiệu quả chi giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy mạnh hơn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bất bình kiểu làm việc “trên ga, dưới phanh” của cán bộ Nhà nước - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

“Trong giai đoạn tới, cần phải siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật tài chính công, nâng cao chất lượng dự toán, thanh quyết toán, sớm khắc phục tình trạng ngân sách các cấp kết dư chuyển nguồn lớn, giải ngân đầu tư công chậm chạp, khó khăn. Trong khi nền kinh tế thì khát vốn, các nguồn lực thì nằm yên trong két sắt. Một sự lãng phí không nhỏ”- ông Lâm cho hay.

Đối với dự kiến Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP giúp tăng quy mô GDP thêm 25,4%, đại biểu đoàn Bắc Giang đánh giá việc điều chỉnh này có lẽ là cần thiết để đánh giá sát đúng thực tế, từ đó có thể ra các quyết định quản lý hiệu quả hơn trong điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, khi thay đổi như vậy thì các chỉ số về an ninh, tài chính, nợ công được tính toán lại như thế nào để vẫn đảm bảo vững chắc nền tài chính quốc gia, đồng thời có thể tạo ra dư địa lớn hơn để huy động nguồn lực cho phát triển.


Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
Cùng chuyên mục