Bất động sản trực tuyến tăng tốc mùa dịch nCoV

17/02/2020 06:46 GMT+7
Công ty DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo Bất động sản trực tuyến tăng cơ hội tiếp cận người dùng mùa dịch nCoV và dự báo thị trường địa ốc đang không ngừng tiến hóa để thích nghi với giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Nghiên cứu này cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, giữa lúc thị trường địa ốc TP HCM khởi động chậm chạp vì trì trệ pháp lý đã phải đón thêm cú sốc kép dịch viêm phổi nCoV. Tuy xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, virus corona đã lan rộng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đồng thời gây tác động tiêu cực lên nhiều thị trường.

Tại Việt Nam, nhiều công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rơi vào diện cần cấp cứu. Thị trường bất động sản được xếp vào nhóm trung lập, ít bị tác động hơn nhưng cũng bị giảm tốc mạnh ở lĩnh vực nghỉ dưỡng, lưu trú, bất động sản giải trí và chịu sức ép lớn ở mảng dịch vụ quản lý tòa nhà.

Để duy trì hoạt động những tháng đầu năm, các doanh nghiệp địa ốc đang đẩy mạnh gói giải pháp công nghệ để tiếp cận khách hàng.

Nhiều công ty trong mảng quản lý tòa nhà đã kịp thời công bố khởi động ứng dụng trực tuyến giúp các quy trình thanh toán, sửa chữa, đăng ký dịch vụ, cứu hộ, cung cấp thông tin,... trở nên đơn giản, nhanh chóng. Ứng dụng được cập nhật thường xuyên với nhiều tính năng mới để kết nối kịp thời với cư dân trong công tác phòng chống dịch bệnh nCoV như thông báo diễn biến dịch bệnh, cung cấp thông tin các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại khu dân cư...

Bất động sản trực tuyến tăng tốc mùa dịch nCoV - Ảnh 1.

Bất động sản trực tuyến đang là giải pháp của nhiều doanh nghiệp địa ốc mùa dịch nCoV. Ảnh: V.L

Trong khi đó, ở mảng phân phối, các ứng dụng giao dịch online cũng nhanh chóng tiếp cận người dùng và tăng trưởng với tốc độ cao. Ứng dụng giao dịch bất động sản trực tuyến Housemap trình làng hồi tháng 11/2019 chỉ ghi nhận 320 thiết bị cài đặt và tương tác 717 người dùng với nhau. Nhưng chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm, đúng vào giai đoạn các cảnh báo virus corona được cập nhật dày đặc với khuyến cáo tránh tụ tập nơi đông người, ứng dụng đã tăng gấp đôi lượng người cài đặt app. Số người dùng tương tác trên phần mềm cũng tăng gấp 3 lần.

Trên thực tế, nhiều ứng dụng giao dịch trực tuyến khác cũng đang tăng trưởng tiếp cận người dùng rất nhanh do điều kiện người dân hạn chế tụ tập đông người.

Ông Phạm Lâm - CEO DKRA Vietnam nhận định việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản (Proptech, Fintech) từ lâu đã tạo thành xu hướng gây hiệu ứng tốt và chắc chắn sẽ đứng trước cơ hội bùng nổ trong giai đoạn 2020-2025. Trong ngắn hạn 6-12 tháng tới, khi dịch nCoV diễn biến khó lường và chưa có vaccine, các ứng dụng công nghệ bất động sản có nhiều điều kiện tiếp cận người dùng hơn và có cơ hội phát triển tốt hơn trong điều kiện bình thường.

Dùng ứng dụng trực tuyến nhiều hơn là phương án an toàn và hợp lý. Khách hàng có thể tìm kiếm thông tin qua ứng dụng thay vì trực tiếp tham quan nhà mẫu hay dự án. Đây cũng là cơ hội cho các ứng dụng tích hợp nhiều tính năng tiếp cận gần hơn với khách hàng. Có thể xem đây là đòn bẩy thúc đẩy công nghệ hóa bất động sản trực tuyến càng phát triển.

Điểm tích cực của xu hướng này là ngày càng nhiều đơn vị tích cực sử dụng công nghệ vào các quá trình tư vấn phát triển dự án (bằng cách sử dụng nền tảng platform liên quan đến việc thu thập dữ liệu và thông tin), tiếp thị (công nghệ thực tế ảo 6D, 3D), tìm kiếm thông tin, booking online, quản lý, vận hành bất động sản... Diễn biến này thúc đẩy tạo nên một hệ sinh thái kết hợp đầy đủ tiện ích, dễ dàng quản lý, đem lại sự thuận tiện nhất và tiết kiệm chi phí cho người dùng.

Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ bất động sản vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi tính thích ứng, khả năng sử dụng công nghệ của khách hàng và cần thời gian đem đến niềm tin cho những người lần đầu tiếp cận với ứng dụng.

Bên cạnh đó giao dịch bất động sản trên ứng dụng vẫn còn những vướng mắc về mặt pháp lý, tâm lý khách hàng e ngại. Tại nhiều nước, xu hướng chia nhỏ cổ phần bất động sản hay còn được gọi là tín chỉ bất động sản đã được công nhận và người mua, bán có thể dễ dàng giao dịch trực tuyến dựa trên cổ phần của mình. Thế nhưng tại Việt Nam, luật pháp vẫn chưa công nhận điều này khiến giao dịch trên ứng dụng còn hạn chế.

Ông Lâm đánh giá, không chỉ riêng với các sự kiện trong lĩnh vực bất động sản, hầu như các sự kiện xã hội, giải trí... mang tính quy mô lớn đều chịu ảnh hưởng từ dịch virus corona. Dù những quan ngại dịch nCoV là không thể tránh khỏi nhưng khách hàng, giới đầu tư vẫn có nhu cầu tìm kiếm bất động sản để tích lũy và gia tăng giá trị tài sản.

Do đó, giải pháp tạm thời của người mua bất động sản có thể chọn các sàn địa ốc online để tham khảo trước và sử dụng các ứng dụng trực tuyến làm bước đệm. Sau đó có thể tiếp cận thực tế để kiểm tra đối chiếu thông tin, pháp lý kèm theo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động để bảo vệ sức khỏe bản thân.


Vietnamnet
Cùng chuyên mục