Quảng Nam: Tín dụng chính sách biến ước mơ của nhiều hộ nghèo ở Đại Lộc thành hiện thực
"Bệ phóng" thoát nghèo bền vững
Trong năm 2024, NHCSXH huyện Đại Lộc tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư TW, Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 503-KH/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam. Cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện tiếp tục quan tâm chuyển vốn sang NHCSXH để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: "Năm 2024, UBND huyện đã chuyển vốn nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH trên địa bàn để cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi với số tiền 1.200 triệu đồng, nâng số vốn ngân sách huyện năm 2024 là 5.821 triệu đồng.
NHCSXH huyện tập trung huy động vốn, giải ngân các nguồn vốn tín dụng được phân bổ mới năm 2024 ngay từ đầu năm để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã, chỉ đạo xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn".
Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện tại huyện Đại Lộc đạt 488.329 triệu đồng, tăng 42.616 triệu đồng so với cuối năm 2023. Trong đó: nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 370.587 triệu đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương Trung ương cấp bù lãi suất 73.410 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách địa phương 44.322 triệu đồng.
Doanh số cho vay đạt 176.356 triệu đồng với 3.699 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ 133.926 triệu đồng. Tổng dư nợ đạt 487.179 tỷ đồng, tăng 42.323 triệu đồng so với cuối năm 2023, tốc độ tăng 9,5%. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,05%/tổng dư nợ; nợ khoanh tỷ lệ 0,047%/tổng dư nợ.
Ông Kỳ chia sẻ, để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng và thuận lợi cho người thụ hưởng, NHCSXH huyện Đại Lộc phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức Hội đoàn thể ủy nhiệm qua 255 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Các tổ được phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất, sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, mỗi xã, thị trấn được bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng.
Đảm bảo an sinh xã hội
Đến 31/12/2024, tổng dư nợ ủy thác qua các Hội đoàn thể huyện Đại Lộc là 482.365 triệu đồng, tăng 41.645 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 99% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn 0,05%; huy động qua Tổ TK&VV đạt 28.862 tỷ đồng.
Ông Lê Tấn Hùng – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc cho biết: Có được thành quả như ngày hôm nay chính là nhờ sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc và các hội đoàn thể nhận ủy thác. Ngoài ra, sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội trở thành "bệ phóng" hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tăng thu nhập cho gia đình.
Năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội huyện Đại Lộc đã hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho 3.699 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, tạo việc làm cho 847 lao động, giúp 37 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, giúp 88 học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng và cải tạo gần 2.076 công trình nước sạch vệ sinh, xây 2 ngôi nhà ở xã hội cho các đối tượng, giúp 14 lao động tái hòa nhập cộng đồng....
Từ đó giúp người dân ổn định và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại huyện Đại Lộc.
"Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với Phòng, ban, ngành có liên quan thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của ngành để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng năm 2025 đạt từ 8-10% (đạt dư nợ trên 535 tỷ đồng); chất lượng hoạt động tín dụng đạt loại tốt; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn mức dưới 0,05%....", ông Lê Tấn Hùng – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc.