Bất động sản, xây dựng quý 1/2020: Lộ thêm nhiều mảng tối
Bất động sản thêm nhiều mảng tối
Cuối tuần trước, chỉ một vài công ty bất động sản công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với tình hình vẫn khá lạc quan thì hiện tại, thêm nhiều bản báo cáo được công bố cho thấy thị trường bất động sản quý 1/2020 mang gam màu tối nhiều hơn.
Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ - CenLand là một trong 5 công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn CenGroup. Với bề dày kinh nghiệm hơn 17 năm trong việc phân phối, đầu tư phát triển các dự án bất động sản, nhiều năm liền CenLand dẫn đầu thị phần phân phối tại miền Bắc và nhận giải thưởng sàn giao dịch bất động sản xuất sắc.
Tuy nhiên, trong quý 1/2020, dưới áp lực của đại dịch Covid-19, CenLand không thể cưỡng lại xu hướng chung của thị trường. Đó là khó bán hàng. Trong kỳ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CenLand giảm sâu, giảm 112 tỷ đồng, tương đương 28,9% xuống 275 tỷ đồng.
Doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận "lao dốc" nhanh hơn. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 của CenLand chỉ đạt 42,3 tỷ đồng, giảm 37,7 tỷ đồng, tương đương 47,1% so với quý 1/2019.
Chỉ tiêu này giảm sâu hơn doanh thu là do CenLand bất ngờ tăng mạnh chi phí bán hàng. Theo đó, chi phí bán hàng tăng 9 tỷ đồng, tương đương… 45 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều khá bất ngờ vì giữa đại dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp chọn cách cắt giảm chi phí, trong đó ưu tiên giảm chi phí bán hàng.
Không chỉ tăng chi phí bán hàng, CenLand còn tăng chi phí quản lý doanh nghiệp từ 43,9 tỷ đồng lên 46,8 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Địa ốc Chợ Lớn (RCL) cũng không tránh được một kỳ tăng trưởng âm. Tổng doanh thu trong kỳ chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 14,8 tỷ đồng, tương đương 61,4% so với quý 1/2019. Khác với CenLand, Địa ốc Chợ Lớn đã cắt giảm chi phí bán hàng từ 568 triệu đồng xuống 366 triệu đồng.
Tuy nhiên, chi phí này khiêm tốn hơn tổng chi phí nên kết quả là lợi nhuận của RCL vẫn đi lùi. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 giảm 2,5 tỷ đồng, tương đương 67,6%.
Xây dựng "tối" theo
Bất động sản và xây dựng thường là hai ngành "đồng hành" với nhau. Khi bất động sản đi lùi, xây dựng khó có thể tăng trưởng. Vì vậy, không bất ngờ khi kết quả kinh doanh của một số công ty xây dựng mới công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 cũng cho thấy bức tranh màu tối.
Công ty cổ phần Xây dựng số 9 chỉ đạt doanh thu 163 tỷ đồng, giảm 107 tỷ đồng, tương đương 39,6% so với quý 1/2019. Giá vốn hàng bán giảm rất sâu, từ 255 tỷ đồng xuống 149 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty giảm nhẹ từ 14,9 tỷ đồng xuống 13,5 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong kỳ, do chi phí tài chính tăng mạnh lên 8,6 tỷ đồng nên kết quả là lợi nhuận sau thuế của công ty "lao dốc", chỉ đạt 121 triệu đồng, giảm 1,06 tỷ đồng, tương đương 89,8%.
Công ty đang chịu áp lực nợ rất lớn khi mà nợ phải trả lên tới 1.188 tỷ đồng, cao gấp 6,8 lần vốn chủ sở hữu. Như vây, có thể thấy, lãi ròng của công ty lao dốc trong quý 1/2020 không phải do đại dịch Covid-19.
Công ty cổ phần Licogi 14 thêm một mảnh ghép vào bức tranh tối màu của ngành bất động sản xây dựng khi doanh thu giảm 21,4 tỷ đồng, tương đương 55% so với quý 1/2019. Doanh thu giảm quá sâu nên doanh thu tài chính tăng mạnh từ 1 tỷ lên 5 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm sâu từ 4,4 tỷ đồng xuống 1,4 tỷ đồng cũng không "giải cứu" được lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 8,7 tỷ đồng, tương đương 53,7%.
Công ty cổ phần xây dựng số 5 (SC5) cũng ghi tên mình vào danh sách các đơn vị đi lùi trong quý 1/2020. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ giảm 516 tỷ đồng, tương đương 54,7%, lợi nhuận sau thuế giảm 6,6 tỷ đồng, tương đương 55,9%.
SC5 thậm chí có thể giảm lãi nhiều hơn nếu công ty không nỗ lực cắt giảm tất cả các chi phí quan trọng.
Càng thêm nhiều công ty trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng công bố báo cáo tài chính, bức tranh màu xám của ngành này càng lộ rõ hơn. Tuy nhiên, hiện tại, những "ông lớn" trong ngành vẫn chưa hé lộ kết quả kinh doanh.