“Biến” khác biệt trên liên ngân hàng và lý do “nóng” lãi suất tiết kiệm
Đó là nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, trong báo cáo vừa phát hành về thị trường tiền tệ trái phiếu.
Báo cáo đề cập, trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán (7 – 11/2), thanh khoản trong hệ thống vẫn tiếp tục gặp áp lực và kênh OMO được sử dụng nhằm hỗ trợ hệ thống.
Lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm 14,4 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm.
Trong tuần, tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần đạt 8,8 nghìn tỷ đồng và đưa lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 15,5 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia SSI, mặc dù tổng lượng tín phiếu đang lưu hành không quá lớn so với các thời điểm căng thẳng trong quá khứ, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua tương đối khác biệt trong nhiều năm trở lại đây, khi thanh khoản vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau Tết.
Nguyên nhân chính là do tín dụng tăng mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây (trung bình 3 điểm phần trăm/tháng), đồng thời hoạt động cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của NHNN trầm lắng; Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần này tiếp tục tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm kết thúc tuần ở 2,85% (tăng 52 điểm cơ bản) và tuần ở 2,93% ( tăng 75 điểm cơ bản).
Trong tuần, biểu lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng cũng đã được điều chỉnh tăng ở một số ngân hàng dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhằm thu hút lượng tiền gửi nhàn rỗi vào hệ thống.
Trên thực tế, chênh lệch huy động – tín dụng giảm mạnh khiến áp lực huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng mạnh.
Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 1, tín dụng đã tăng gần 1 điểm %, phản ánh tín hiệu tích cực khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn hồi phục.
"Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14-15% và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nhìn chung, lãi suất nhiều khả năng đã chạm đáy trong năm 2021 và sẽ nhích tăng trở lại vào cuối năm nay", báo cáo của SSI đề cập.
VND có thể tăng giá 0,5 – 1% so với cuối năm 2021
Trên thị trường ngoại hối, tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh khi các tín hiệu từ quan chức Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã rõ ràng hơn về việc tăng lãi suất cơ sở trong năm 2022, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ tăng cao và thị trường lao động tích cực.
Cụ thể, ngày 10/02, Bộ Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI toàn phần và CPI cơ bản tháng 1/2022 đã tăng tới 7,5% và 6,0% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng lớn nhất sau 40 năm kể từ năm 1982.
Bên cạnh đó, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần kết thúc ngày 05/02 ở mức 223 nghìn đơn, giảm từ mức 239 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn so với mức 227 nghìn đơn theo dự báo.
Công cụ CME Fed Watch dự báo Fed có khả năng tăng 6 lần ngay trong năm 2022, bắt đầu từ tháng 03/2022 với mức tăng tới 50 điểm cơ bản.
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm ngay lập tức vượt trên 2% sau phát biểu của quan chức Fed và hạ nhiệt phần nào vào phiên cuối tuần.
Đồng USD cũng tăng giá nhẹ với chỉ số DXY tăng 0,6%, trong khi EUR giảm 0,8%, JPY giảm 0,14% và các đồng tiền mới nổi như RUB (-1,76%), INR (-0,91%),…
Tương tự, VND giảm giá nhẹ trong tuần qua và tương đồng với diễn biến của các đồng tiền khác trong khu vực.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND tăng 0,14%, lên 22.695 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 30 điểm. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn duy trì mức chênh lớn so với thị trường ngân hàng, giao dịch ở 23.500/23.550 đồng/USD khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao (xấp xỉ 12 triệu đồng/lượng).
Các chuyên gia tại SSI cho rằng, tỷ giá vẫn duy trì ở mức thấp trong 1 năm trở lại đây. Trong năm 2022, kỳ vọng đồng VND sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình, tăng giá nhẹ 0,5 – 1% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến trong năm sẽ biến động mạnh hơn tùy thuộc vào nguồn cung – cầu ngoại tệ tại thời điểm đó.