Bình Phước: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi
Ông Mã Dưỡng, chủ nhân vườn bơ sáp nổi tiếng ở Bình Phước.
Mặc dù nhiều hợp tác xã đang từng bước hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, thu hút lao động, nhưng vẫn tồn tại một số đơn vị yếu kém có nguy cơ giải thể. Nguyên nhân chính, theo ông Trần Văn Phụng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Phước, là việc xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã chưa thực sự hiệu quả; các hình thức sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ còn manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi nhiều chính sách ưu đãi chưa được thực hiện kịp thời...
"Ngân sách Trung ương đầu tư cho hợp tác xã quá hạn hẹp, trong khi ngân sách tỉnh còn khiêm tốn nên công tác hỗ trợ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cần lựa chọn nông sản chủ lực để thành lập hợp tác xã chuyên ngành về điều, tiêu, trái cây, rau quả và chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường...", ông Phụng kiến nghị.
Tỉnh Bình Phước đang chú trọng đầu tư phát triển hợp tác xã kiểu mới, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao như sản xuất rau thủy canh, dưa lưới... Các loại cây thế mạnh như điều, tiêu được đầu tư bằng giống mới cho năng suất cao, sản xuất theo quy trình Organic. Các loại cây ăn trái “du nhập” như bưởi da xanh, bơ, sầu riêng cũng phát triển mạnh.
Đặc biệt, sản phẩm hạt điều của Liên hiệp hợp tác xã điều Bình Phước với 4 hợp tác xã thành viên (670 xã viên hợp tác xã) được tổ chức sản xuất, chăm sóc, cải tạo quy mô lớn, hơn 2.900ha, mang nhãn hiệu Thương mại công bằng quốc tế - FLO, tiến đến xây dựng tiêu chuẩn Organic và Fair Trade của châu Âu và Mỹ.
Mô hình rau sạch của hợp tác xã Nguyên Khang Garden (Phú Riềng, Bình Phước).
Các hợp tác xã kiểu mới đã thu hút được 11 doanh nghiệp lớn tham gia thành viên hợp tác xã hoặc đầu tư thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, từ đó hình thành mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đã có 7 hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản an toàn với các đối tác uy tín trong và ngoài nước. Một số sản phẩm của các hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu như: Rau thủy canh, bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng, hạt điều của Liên hiệp hợp tác xã điều Bình Phước.
Nói về liên kết giữa các cá nhân, tổ chức sản xuất với doanh nghiệp, ông Phụng nêu ví dụ: Vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ của hệ thống siêu thị Big C với 150 hợp tác xã nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Theo đó, những hợp tác xã đáp ứng đủ quy trình, quy chuẩn về hàng hóa của Big C được ký thỏa thuận hợp tác, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp này.
Các sản phẩm trước khi đưa vào hệ thống đều được kiểm nghiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đặc biệt, qua tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét mã truy xuất và nắm được thông tin xuất xứ. Đây được coi là cú hích, tạo đà thúc đẩy sản xuất.
"Các cấp và ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp như Big C. Tuy nhiên, để mô hình này trở thành hiện thực, tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các hợp tác xã phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao”, ông Phụng chia sẻ.
Đại diện tổ chức nông nghiệp Hà Lan thăm mô hình điều sạch của Liên hiệp hợp tác xã Điều Bình Phước.
Bình Phước vừa ban hành kế hoạch chi tiết liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 60 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất điều và hồ tiêu (30 hợp tác xã điều và 30 hợp tác xã tiêu, chiếm tối thiểu 50% diện tích canh tác mỗi loại) theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững, phục vụ chế biến, tiêu thụ; đảm bảo về chất lượng và ổn định về số lượng; phấn đấu có 22 hợp tác xã chuyên canh cây ăn trái; 15 hợp tác xã chuyên canh rau ăn lá và dưa lưới; 15 hợp tác xã chăn nuôi. Tất cả đều tham ra liên kết chuỗi giá trị, liên kết với các doanh nghiệp, làm đầu mối tiêu thụ...