Bloomberg: Chứng khoán toàn cầu tăng 10.000 tỷ USD nhưng quỹ đầu tư vẫn đứng ngoài
Trong 3 tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư không mua cổ phiếu mặc dù giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng thêm 10.000 tỷ USD vốn hoá. Tính đến cuối tháng 3, hệ số đặt cược tăng/đặt cược giảm của các quỹ đầu tư ở sát mức thấp nhất trong hơn một năm qua, theo số liệu thu thập được của bộ phận môi giới tại JPMorgan.
Trong tuần cuối cùng của tháng 3, theo số liệu của Goldman Sachs, các quỹ bán cổ phiếu và tăng đặt cược giá đi xuống, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và công nghiệp. Mức độ đòn bẩy ròng, chỉ số nhằm đo tâm lý rủi ro của thị trường chứng khoán, xuống 61,7%.
Các quỹ đầu tư chứng khoán tăng 6% trong quý I, chưa bằng một nửa mức tăng 13% của S&P 500, theo Hedge Fund Research. Đây được đánh giá là khởi đầu gần như tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 2012.
Các quỹ đầu tư chứng khoán tăng 6% trong quý I, chưa bằng một nửa mức tăng 13% của S&P 500. Ảnh: Bloomberg.
Giới quỹ đầu tư đứng ngoài thị trường vì bị thiếu thuyết phục về những bằng chứng cho thấy thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng lên, và rằng sự ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cuối cùng sẽ buộc mọi người quay lại thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, chỉ số S&P 500 đã tăng 2% trong cả tuần qua, nhưng vẫn chưa thể bù đắp lại những gì đã mất trong quý IV/2018 tồi tệ nhất 10 năm qua.
“Các quỹ đầu tư vừa bỏ lỡ đợt tăng gần đây của thị trường chứng khoán, và có lẽ nhiều người nghĩ rằng giờ đã quá muộn để nhảy vào. Vì một số quỹ đầu tư nhận ra sai lầm và tăng mua, thị trường chứng khoán sẽ lại có thêm động lực đi lên”, Marko Kolanovic, trưởng phòng chiến lược định lượng và phái sinh tại JPMorgan, nói.
Tất nhiên, vẫn có khả năng các quỹ sẽ tiếp tục đứng ngoài thị trường. Chuyện tương tự từng xảy ra trong nửa sau của năm 2018 khi S&P 500 mấp mé rơi vào thị trường gấu.
Nếu xuất hiện bất kỳ tín hiệu đáng lo ngại nào, các quỹ đầu tư có thể vẫn đứng ngoài thị trường. Hiện nay, cả tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp đều được dự báo chậm lại trong năm 2019.
“Họ không tham gia vì thấy đà tăng của thị trường đang bị chi phối bởi tâm lý hơn là các yếu tố cơ bản”, Crit Thomas, chiến lược gia thị trường thế giới tại Touchstone Advisors, cho biết.
Theo một khảo sát độc lập của JPMorgan, khoảng 1/3 người tham gia cho biết có ý định tăng phân bổ tài sản vào chứng khoán, tăng từ mức 15% của năm 2018.