Bộ Công Thương xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch
Trong buổi làm việc giữa Tổ tư vấn kinh tế của Thú tướng và Bộ Công Thương mới đây, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, trong thời gian tới cần xây dựng kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành công thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch hành động, tập trung vào 8 nhóm nội dung chính:
Một là khẩn trương xây dựng ban hành nội dung khung hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành công thương trong giai đoạn mới phòng chống dịch Covid-19.
Hai là, tiến hành cập nhật đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong tình hình mới để điều chỉnh nội dung và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại.
Ba là, rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, tái cơ cấu thị trường, khai thác hiệu quả thị trường xuất nhập khẩu và thị trường trong nước trong tình hình mới.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế.
Sáu là, bảo đảm trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Bảy là, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.
Tám là, rà soát, cập nhật và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của ngành công thương về nâng cao năng lực và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, trước vấn đề khởi động lại nền kinh tế sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng trạng thái mới của xã hội hiện gồm 4 yếu tố: việc đứt gãy của chuỗi cung ứng; sự thay đổi của phương thức sản xuất và tiêu dùng trong xã hội; tổng cầu của cả nền kinh tế giảm, ảnh hưởng đến sản xuất; kích thích tăng thêm xu thế bảo hộ mậu dịch.
Thứ trưởng nhấn mạnh, gói hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này dành cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết, đặc biệt là với các ngành nghề quan trọng. Theo đó, cần hỗ trợ thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường.