Bơ 'mini' không hạt 'sốt' hàng
Theo anh, loại này chỉ gom được 1-2 lần vì số lượng có hạn, nhà vườn ở Lâm Đồng trồng không nhiều. Ruột bơ dày, dẻo tương tự như bơ 034. Tuy nhiên, khác biệt là loại quả này không có hạt và kích cỡ chỉ khoảng 100-200 gram.
Chị Thanh ở Hà Nội cũng cho biết vừa bán hết 30 kg bơ "tí hon" không hạt. Trước chị toàn bán các loại bơ sáp Đà Lạt nhưng nay được đầu mối giới thiệu hàng đầu vụ nên cũng quyết định thử.
Lúc đầu chị hơi lo hàng mới khó bán nhưng không ngờ khách lại hưởng ứng nhiệt tình, mỗi người thường mua 2-3 kg. Loại này kích cỡ nhỏ nên khá tiện lợi trong sử dụng. Mặt khác, bơ không hạt nên trọng lượng thật, chỉ cần bỏ vỏ là ăn được ngay. Ngoài tên gọi bơ tí hon thì loại này người dân Lâm Đồng gọi là bơ móng tay vì nhỏ và thon.
Không chỉ Lâm Đồng mà ở Đồng Nai, loại bơ này cũng được một vài nhà vườn trồng và bán với giá mềm hơn.
Anh Lê Văn Thắng ở Đồng Nai cho biết, hàng xóm có cây bơ loại này, khi ăn thử thấy ngon nên anh đăng bán và được ủng hộ nhiệt tình.
"Vì mua với giá rẻ nên tôi chỉ bán 50.000 đồng thay vì 100.000 đồng một kg như những người buôn khác. Loại này trái nhỏ, dễ ăn và không quá béo nên ăn không ngán", anh Thắng nói.
Là người trồng và nhân giống cây bơ mini không hạt bán ra thị trường, anh Anh ở Đăk Nông (Lâm Đồng) cho biết mua về trồng năm 2017. Sau 2 năm, cây cho trái tí hon lại không hạt nên anh nhân giống để bán cho người dân trong vùng. Hiện nhà anh có 3 cây cho trái với số lượng 50-70 kg mỗi cây.
Theo anh, đặc điểm nổi bật là bơ thơm ngon, ruột vàng, không có hạt. Bơ chăm sóc bằng phân vi sinh và sinh học là chính nên chất lượng an toàn. Bơ không hạt được ưa chuộng còn do không bị hao hụt như bơ sáp, bơ nến (hạt chiếm 1/2 trọng lượng). Hơn nữa, loại này có vị ngọt, không béo ngậy như nhiều loại khác nên phù hợp với một số người thích ăn béo vừa phải. Một ưu điểm khác là kích thước bơ nhỏ nên rất phù hợp cho các bé.
Tuy nhiên, theo anh Anh, so về độ ngon và giá trị kinh tế thì loại bơ này vẫn "thua" 034 và bơ Booth. Vì năng suất thấp nên dù có mặt trên thị trường từ năm 2017 nhưng tới nay chúng không được nhân rộng.
Trước đó, tại hội chợ giống 2017 do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP HCM tổ chức, mẫu trái cây bơ mini được nhiều người chú ý, thích thú . "Bơ mini" là tên do Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bến Tre tạm đặt bởi giống bơ này có trái rất nhỏ so với các giống bơ khác. Khi đã lớn hết cỡ, cũng chỉ ngang ngửa trái dưa leo cỡ trung bình.
Giống bơ mini này không có hạt do cấu tạo của hoa, hạt phấn không được "rơi" vào đầu nhụy để nảy mầm và quá trình thụ tinh không diễn ra, không có giao tử nên không tạo thành hạt.
Về việc nhân giống, do trái bơ mini không có hạt (và nếu có hạt cũng không sản xuất cây giống bằng hạt) việc nhân giống được thực hiện theo phương pháp ghép đoạn cành, ghép mắt giống bơ mini đã cho trái và phát triển tốt trên gốc ghép gieo từ hạt của các giống bơ khác.
Đang sốt trên thị trường nhưng theo chuyên gia nông nghiệp loại này không mang lại giá trị kinh tế cao nên ít được nhân rộng.