Bỏ phiếu Brexit thất bại lần thứ 3: Nước Anh chìm vào khủng hoảng chính trị
Thủ tướng Anh Theresa May: “Tôi e rằng chúng tôi đang sắp chạm tới giới hạn của quá trình Brexit ở Hạ viện”
Nước Anh đang tiến gần tới một cuộc bầu cử sau khi Quốc hội Anh lại một lần nữa từ chối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May, càng khiến cuộc khủng hoảng chính trị đang bao trùm lấy vụ “ly hôn” đắng chát của quốc gia này và Liên minh châu Âu (EU) trở nên nặng nề hơn.
Phát biểu sau khi kết quả của cuộc bỏ phiếu được thông báo vào chiều ngày thứ Sáu (29/03), nữ Thủ tướng Anh đã đưa ra một lời cảnh báo gián tiếp rằng nước Anh có thể sẽ cần phải tổ chức một cuộc bầu cử để chấm dứt tình trạng bế tắc ở Hạ viện – nơi đã không ủng hộ kế hoạch Brexit của bà May mặc cho bà đã cố gắng nhiều tháng trời.
“Tôi e rằng chúng tôi đang sắp chạm tới giới hạn của quá trình Brexit ở Hạ Viện”, bà May nói với các nhà làm luật sau khi bản thỏa thuận của bà bị từ chối lần thứ ba. Đồng Bảng Anh yếu đi, sắp chạm mốc tháng có giá trị thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 10/2018.
Bà May cho biết thất bại này đã ảnh hưởng “nghiêm trọng” tới nước Anh, trong khi đó Ủy ban châu Âu (EC) lại nói rằng kịch bản Brexit không thỏa thuận gây tổn hại đến nền kinh tế, hiện tại “rất có khả năng xảy ra”. Các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức một hội nghị khẩn cấp vào ngày 10/04/2019 để bàn bạc về bước đi tiếp theo.
Trước đó, bà May đã nói rằng điều cuối cùng mà đất nước này muốn là một cuộc bầu cử. Vào ngày thứ Sáu (29/03) vừa qua, phát ngôn viên của bà May đã không nói ra trực tiếp điều đó, mà chỉ khẳng định rằng vào thời điểm hiện tại một cuộc bầu cử không hẳn là điều tốt nhất đối với nước Anh. Bên cạnh đó, các quan chức đồng ý rằng quốc gia này cần có thêm một cuộc bầu cử, cho dù bà May có không hứng thú với việc tổ chức bầu cử đi chăng nữa.
Chính phủ của bà May hiện tại sẽ lùi một bước trong khi Quốc hội Anh cố gắng tìm cách xoay xở mà không có bà May trong tuần tới.
Vào ngày thứ Hai tới (01/04), các nhà làm luật lại một lần nữa phải thể hiện lập trường của mình khi bỏ phiếu cho lựa chọn giữa những kế hoạch B cho Brexit. Những kế hoạch B này có khả năng sẽ bao gồm Liên minh Thuế quan hoàn toàn với EU và việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác để phê duyệt thỏa thuận cuối cùng. Hy vọng là quá trình thu hẹp các lựa chọn này có thể phác thảo được chi tiết một kế hoạch Brexit khiến Quốc hội Anh ủng hộ.
Thời gian sắp hết
Nhóm của bà May đề nghị rằng bà nên cố gắng điều chỉnh bản thỏa thuận của mình sao cho thích hợp với kết quả của những cuộc bỏ phiếu chỉ định sắp tới. Cuối cùng có lẽ vẫn sẽ có một điểm giao nhau giữa thỏa thuận của bà May và lựa chọn được ủng hộ nhiều nhất trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Nhưng không còn nhiều thời gian nữa.
Sau khi đạt được thỏa thuận với EU vào tuần trước, nước Anh hiện đang dự định sẽ rời khỏi khối liên minh này vào ngày 12/04/2019. “Không còn đủ thời gian để đồng ý, lập pháp và phê chuẩn một thỏa thuận khác nữa”, bà May nói, “và Hạ viện đã từng nói rõ rằng họ sẽ không cho phép kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra. Và vì vậy chúng ta sẽ phải chấp thuận một phương án thay thế”.
Chính phủ sẽ nói chuyện với EU về những điều khoản của việc gia hạn thời gian Brexit. Các quan chức của bà May đang nhắm tới việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ tư với Quốc hội để thông qua thỏa thuận của bà trong vài ngày tới.
Nữ Thủ tướng Anh muốn tránh việc tham gia vào các cuộc bầu cử của châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 23/05/2019 – một điều kiện để gia hạn hạn chót của Brexit. Một nhà ngoại giao EU nói rằng khối liên minh cũng ngày càng lưỡng lự khi cân nhắc đến việc gia hạn một thời gian dài cho Brexit bởi vì việc này có thể gây ra những gián đoạn đối với các vấn đề có liên quan đến châu Âu. Nếu bà May yêu cầu gia hạn một thời gian ngắn, thì EU sẽ xem xét điều đó, nhưng chỉ khi con đường Brexit đã rõ ràng và Quốc hội Anh đảm bảo sẽ ủng hộ kế hoạch Brexit đó, nhà ngoại giao của EU cho biết.
Bà May đã đưa ra lời hứa từ bỏ chức vụ Thủ tướng để thỏa thuận của bà có thể được Quốc hội thông qua. Những thành viên ủng hộ Brexit hàng đầu trong Đảng Bảo thủ, bao gồm Boris Johnson, Jacob Rees-Mogg và Dominic Raab đều từ bỏ thái độ chống đối với thỏa thuận của bà May và đã bỏ phiếu thông qua cho thỏa thuận này vào ngày thứ Sáu (29/03) vừa qua.
Mặc dù bà May và các trợ lý đã hết sức cố gắng, cùng sự ủng hộ không ngừng từ những Bộ trưởng nội các, nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa đủ để chiến thắng những người theo phe đối lập, hay là Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland – tổ chức ủng hộ cho Chính phủ thiểu số của bà.
Nếu như bản thỏa thuận “ly hôn” của Brexit không được thay đổi – là điều mà EU nói rằng sẽ không thể bắt đầu lại – có vẻ như rất ít khả năng DUP sẽ bị ảnh hưởng. Chính Đảng này cho biết bản thỏa thuận đang đe dọa đến việc tách Bắc Ireland ra khỏi vương quốc Anh.
“Tôi sẽ vẫn ở lại với EU và tiếp tục phát triển còn hơn là đẩy vị thế của Bắc Ireland vào vùng nguy hiểm”, Nigel Dodds, Phó Chủ tịch DUP, trả lời với BBC ở Anh.
Nếu như cho đến cuối cùng những nỗ lực của bà May đều thất bại, bà ấy biết rằng bản thân sẽ phải trao lại vấn đề nào vào tay các cử tri. Một cuộc bầu cử sẽ mang lại nhiều rủi ro cho nữ Thủ tướng Anh.
Năm 2017, bà May kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử chóng vánh với hy vọng gia tăng thêm một phần nhỏ đa số phiếu bầu giữa lúc nổ ra những dự báo về một cuộc thắng phiếu lớn. Thay vào đó, bà lại chiến đấu trong một chiến dịch bầu cử đầy khó khắn, đánh mất đa số ghế và đã phải chật vật kể từ đó để thuyết phục Hạ viện chấp thuận những chính sách Brexit của bà.