Bỏ sổ hộ khẩu giấy, thủ tục đất đai sẽ được thực hiện thế nào?
Khi nào bỏ Sổ hộ khẩu giấy?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, Sổ hộ khẩu chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.
Từ ngày 01/01/2023, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử thay cho việc sử dụng Sổ hộ khẩu giấy.
Người dân vẫn cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú… như trước đây. Tuy nhiên, không còn được cấp mới Sổ hộ khẩu cũng nhưng sử dụng Sổ hộ khẩu trong các giao dịch, thủ tục hành chính.
Bỏ Sổ hộ khẩu giấy thì thực hiện thủ tục về đất đai như thế nào?
Trong suốt những năm qua, Sổ hộ khẩu luôn là giấy tờ bắt buộc phải có để công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Bên cạnh đó, rất nhiều thủ tục hành chính về đất đai cũng từng quy định người dân phải nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy để chứng minh nơi thường trú như:
Thủ tục xác định việc sử dụng đất ổn định (theo Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP);
Thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT)…
Trên thực tế, người dân đã quá quen với việc sử dụng Sổ hộ khẩu để thực hiện các thủ tục về đất đai. Chính vì vậy khi có thông tin sẽ bỏ Sổ hộ khẩu, rất nhiều người tỏ ra hoang mang không biết các thủ tục này sẽ thực hiện như thế nào.
Để tránh xảy ra khúc mắc trong quá trình giải quyết thủ tục về đất đai, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi quy định về xuất trình Sổ hộ khẩu. Theo đó sắp tới, các thủ tục hành chính về đất đai sẽ thực hiện như sau:
1 - Không cần xuất trình Sổ hộ khẩu
Theo Chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 04/11/2022, các quy định về xuất trình Sổ hộ khẩu sẽ được sửa đổi, bãi bỏ trong tháng 12/2022.
Trước đó, tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT cũng quy định:
Đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai).
2 - Sử dụng giấy tờ khác thay thế Sổ hộ khẩu giấy
Hiện nay, các giấy tờ hợp pháp chứng minh thông tin về cư trú có thể sử dụng thay Sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính bao gồm:
Giấy xác nhận thông tin về cư trú;
Thẻ Căn cước công dân gắn chip;
Tài khoản định danh điện tử;
Thông báo số định danh cá nhân.
3 - Khai thác thông tin cư trú thông qua Căn cước công dân, VNeID
Bằng việc khai thác thông tin về cư trú thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan Nhà nước có thể khai thác thông tin của người dân theo các cách sau:
- Trích xuất thông tin trên con chip của thẻ Căn cước công dân bằng thiết bị đọc mã chuyên dụng;
- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch công để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự;
- Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự;
- Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú;
- Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các phương thức khai thác thông tin trên đã được Bộ Công an đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính để sắp tới triển khai thực hiện một cách đồng bộ.