Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Hoạt động khuyến công cần hướng đến cơ cấu hợp lý cho các ngành"

15/09/2019 06:45 GMT+7
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do, hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng tiêu dùng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Nếu không bắt kịp các xu hướng mới và có sự đồng hành hỗ trợ kịp thời của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, sẽ gặp khó khăn trong phát triển sản xuất.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý chương trình, xin Bộ trưởng cho biết vai trò, ý nghĩa của chương trình khuyến công quốc gia trong quá trình CNH-HĐH và phát triển kinh tế xã hội của đất nước ? 
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước coi là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở Nghị định số 45 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công, từ năm 2014, Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm qua, chương trình khuyến công quốc gia được triển khai nhằm động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia, hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ năm 2014, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1288 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức hệ thống khuyến công của cả nước từ trung ương đến địa phương đã vượt qua khó khăn, xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện. Những mục tiêu của hoạt động khuyến công tại Quyết định đã và đang tiếp tục được thực hiện, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2014 – 2018.


Một số kết quả đáng ghi nhận như: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, 98% số lao động được đào tạo đã được bố trí việc làm; Hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, một số nội dung hoạt động đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch tại Quyết định số 1288 như: Hỗ trợ gần 5.000 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước (tăng 29%) và hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới (tăng 5%).
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương đã từng bước được hoàn thiện. Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương địa phương được nâng cao một bước, tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công được thiết lập, dần ổn định và hoạt động hiệu quả; 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước có đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai thực hiện hoạt động khuyến công với tổng số cán bộ tại các Trung tâm khuyến công trên cả nước là hơn 1.000 người.
Theo Bộ trưởng, đâu là những thuận lợi, khó khăn đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn - đối tượng của chính sách khuyến công hiện nay? Xin Bộ trưởng cho biết một số định hướng lớn của chương trình khuyến công quốc gia trong giai đoạn tới?
Ngày 7/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 54 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; được xác định có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta; trên tinh thần đó, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai tích cực và đẩy mạnh các nội dung hoạt động khuyến công quốc gia trên phạm vi cả nước nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 đã đề ra.
Hiện nay, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nói riêng. Chính phủ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như đầu tư từ khu vực tư nhân. Nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng khả quan, niềm tin tiêu dùng được cải thiện khi thu nhập có xu hướng tăng và lạm phát được duy trì ở mức thấp.
Tuy vậy, sản xuất công nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: Hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu theo lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do; Chi phí đầu vào sản xuất tiếp tục có xu hướng tăng. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức không nhỏ, làm thay đổi nhận thức, tư duy sáng tạo và chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Nếu không bắt kịp các xu hướng mới và có sự đồng hành hỗ trợ kịp thời của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT sẽ gặp khó khăn trong phát triển sản xuất.
Thời gian tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, trong khi chúng ta phấn đấu đến năm 2020 thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 1288 về Chương trình khuyến công quốc gia.

Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2030 tiếp theo, chương trình phải được triển khai trên cơ sở kết quả đạt được từ giai đoạn trước, các hoạt động khuyến công cần hướng đến cơ cấu hợp lý trong các ngành công nghiệp tại địa phương với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung; gắn sản xuất với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững; hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp. Hỗ trợ phát triển đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp, góp phần phân bố công nghiệp hợp lý tại các khu vực trên cả nước.


Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết, trong hoạt động khuyến công, công tác phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu triển khai như thế nào ? những hạn chế trong công tác bình chọn trong giai đoạn vừa qua ? Định hướng trong thời gian tới.

Công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công; trong 5 năm qua, Bộ Công Thương đã rất chú trọng, đẩy mạnh công tác này, đã tổ chức 09 kỳ bình chọn cấp khu vực với 610 sản phẩm được công nhận, 03 kỳ bình chọn cấp quốc gia với 312 sản phẩm được công nhận.

Đây là những sản phẩm có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường; qua bình chọn, giúp các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở và kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Thông qua chương trình này, bản thân các doanh nghiệp đã có chú trọng trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đảm bảo môi trường sản xuất… tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động. Điều này giúp doanh nghiệp mạnh hơn, tăng năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Công tác bình chọn đã giúp cơ sở công nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực kinh tế tư nhân phát triển sản xuất, xây dưng thương hiệu; được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển đời sống văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương về tam nông, về phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác bình chọn được triển khai 04 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia); trong những năm vừa qua, các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương quan tâm, động viên, khích lệ các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm chất lượng cao, lợi ích của việc tham gia bình chọn là rất rõ ràng; tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn có những hạn chế, các chủ cơ sở, doanh nghiệp tham gia vẫn chưa nhiều, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa phương có sản phẩm chất lượng tốt, giá trị cao nhưng chưa đăng ký tham gia bình chọn. Bên cạnh nguyên nhân khó khăn về tài chính, công tác truyền thông, giới thiệu về chương trình vẫn còn hạn chế; đến nay còn 13/63 tỉnh, thành phố chưa có sản phẩm tham gia bình chọn cấp quốc gia.
Do vậy, tại chuỗi sự kiện lần này; Bộ Công Thương tổ chức buổi tọa đảm về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm đánh giá kết quả công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn năm 2014 – 2019; tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương và trực tiếp từ cơ sở công nghiệp nông thôn về công tác tổ chức, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; qua đó, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan có liên quan, nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách cho việc phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong chương trình khuyến công giai đoạn tiếp theo.
Định hướng của Bộ Công Thương trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp; qua đó, phát hiện, tôn vinh, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao sản xuất, chất lượng hàng hóa, tập trung theo chuỗi giá trị, từ đó có thể chủ động ứng phó và vượt qua thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, về công tác thông tin truyền thông, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo cơ quan thường trực Chương trình bình chọn nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu sâu về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, đặc biệt là cấp quốc gia trên các phương tiện truyền thông đại chúng.


Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Phong
Tags:
Cùng chuyên mục