Bộ Xây dựng nói gì về chống rửa tiền lĩnh vực bất động sản?
Bộ Xây dựng chưa phát hiện trường hợp nào rửa tiền qua bất động sản thời gian qua
Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề nghị cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng Báo cáo tính hiệu quả (Báo cáo IO), chuẩn bị cho đánh giá đa phương của nhóm châu Á – Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG).
Các nội dung của Mục tiêu trực tiếp (Báo cáo IO) liên quan đến cấp phép hoạt động, đăng ký thành lập doanh nghiệp; giám sát tài chính, quỹ tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh về lĩnh vực bất động sản (BĐS), các tổ chức tài chính và phi tài chính không thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo cụ thể.
Các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Vì vậy, trong thời gian vừa qua Thanh tra Bộ Xây dựng chưa tiến hành thanh tra thực hiện phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Bộ Xây dựng kiến nghị trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở do Bộ Xây dựng chủ trì để làm rõ các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, để Thanh tra Bộ Xây dựng có cơ sở thực hiện thanh tra công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam. Theo đó, nguy cơ rửa tiền, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức "cao", mảng kinh doanh kiều hối được xếp ”trung bình cao”, trong khi lĩnh vực chứng khoán, casino... xếp ở mức ”trung bình”.
Riêng lĩnh vực BĐS được xem "kênh hấp dẫn” thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn. Trong số các tài sản thu được từ các vụ đại án về tham ô vừa qua, cũng như vụ "đánh bạc nghìn tỷ” đang bị điều tra về rửa tiền, đều đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng thường nhờ người thân mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Tuy nhiên, các giao dịch có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch, nên các cơ quan chức năng khó kiểm tra, xác định được nguồn gốc của tiền.