Bùng phát tranh chấp nhà chung cư - Vì sao?

24/03/2019 09:52 GMT+7
Thực trạng tranh chấp tại các dự án nhà chung cư ở trên địa bàn TPHCM đang có dấu hiệu bùng phát trong thời gian gần đây. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ở các chung cư dường như các cơ quan liên quan ở TPHCM vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý. Điều này dẫn đến người dân bỏ tiền tỉ mua căn hộ vẫn sống trong lo lắng...

 

Từ tranh chấp quyền sở hữu

Nhiều người dân tại chung cư La Bonita (số 6-8 đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) đang phải sống trong nỗi phiền muộn. Bởi sau vài năm bàn giao nhà thì xảy ra tranh chấp quyền sở hữu tòa nhà giữa chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới, khiến nhiều cư dân bức xúc, thường xuyên phải sống trong cảnh không có điện, nước…

Năm 2018, Cty Angel Homes thỏa thuận mua lại dự án La Bonita của Cty Nam Thị thông qua việc thực hiện mua 100% vốn góp từ Cty Nam Thị theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp số 16/2018/HĐCN với giá trị 5 tỉ đồng. Kèm theo đó là thỏa thuận Cty Angel Homes sẽ chi khoảng tiền 345 tỉ đồng để xử lý phần nợ xấu và tiền đầu tư của dự án tòa nhà La Bonita.

Theo thỏa thuận đã ký kết, Cty Anghel Homes chỉ thực hiện việc thanh toán các công nợ khi Cty Nam Thị bàn giao toàn bộ, đầy đủ hồ sơ kế toán, hồ sơ mua bán các căn hộ, sàn thương mại, hồ sơ pháp lý đầu tư, hồ sơ xây dựng, hồ sơ chất lượng của công trình, hồ sơ PCCC, nghiệm thu công trình và dòng tiền khách hàng đối tác của Cty Nam Thị. Tuy nhiên, đến nay, việc bàn giao vẫn chưa được đầy đủ. Từ việc tranh chấp giữa hai chủ đầu tư này đã khiến cho công tác thu phí tiền điện, nước, dịch vụ quản lý… của ban quản lý gặp nhiều khó khăn dẫn đến cư dân phải sống trong cảnh liên tục bị cắt điện, cắt nước...

 Ảnh minh hoạ. 

Một trường hợp tranh chấp nhà chung cư khác ở TPHCM đó là tại dự án chung cư Khang Gia Tân Hương, quận Gò Vấp do CTCP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư. Cho tới nay, cư dân nơi đây đang sống trong cảnh “nhiều không”: Sàn cầu thang bộ là lối thoát hiểm không hoàn thiện; không giấy chủ quyền; 71 căn hộ là nhà không phép. Nguyên nhân chủ đầu tư dự án đã xây dựng lấn chiếm khu vực công cộng như phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe dịch vụ, nhà giữ trẻ, lấp các ô thông tầng và cầu thang bộ từ tầng trệt lên tầng lửng, chia nhỏ các phòng dịch vụ hồ bơi tại tầng 2 thành 71 căn sai thiết kế được duyệt và chuyển nhượng căn hộ trái pháp luật.

Với những sai phạm trên, Sở Xây dựng TPHCM đã yêu cầu chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần diện tích sai phạm, thương lượng, thanh lý hợp đồng và trả lại tiền hoặc bố trí nơi ở mới cho các hộ dân đã mua căn hộ ở tầng 1, tầng lửng và tầng 2, sai thiết kế được duyệt... Mặc dù vậy, Cty Khang Gia lại liên tục kêu khó khăn về tài chính, có động thái trây ì và né tránh.

Đến “cuộc chiến” giành phí bảo trì chung cư

Thời gian qua, hàng trăm cư dân sống ở chung cư The Era Town, quận 7, TPHCM, đã nhiều lần lên tiếng phản đối chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đức Khải. Các cư dân bức xúc vì chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị nên các cư dân chưa được chủ đầu tư bàn giao khoản phí bảo trì gần 50 tỉ đồng. Đáng nói là sau mỗi lần cư dân bức xúc phản ánh thì sau đó xuất hiện một số đối tượng lạ đến hăm doạ cư dân.

Hay như tại trường hợp chung cư chung cư An Phúc An Lộc thuộc dự án tái định cư tại phường An Phú, quận 2, đưa vào sử dụng từ năm 2008 do Cty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 quản lý. Chung cư này được trích 3% từ giá bán căn hộ để làm quỹ bảo trì, với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Đến năm 2010, chung cư mới thành lập được ban quản trị. Lẽ ra, số tiền hơn 3 tỉ đồng phải được bàn giao cho ban quản trị nhưng mãi đến năm 2016, cơ quan quản lý chung cư mới chịu chuyển tiền cho ban quản trị nhưng chỉ còn hơn 531 triệu đồng.

Cty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 giải thích sự chênh lệch này là do đã được chi vào các hạng mục duy tu sửa chữa trong những năm qua. Đến giữa năm 2018, ban quản trị quyết định thu phí bảo trì (1.000 đồng/m2, hộ 62m2 đóng phí 62.000 đồng/tháng) để có kinh phí sửa chữa chung cư. Tuy nhiên, việc thu phí này lại gặp phải phản ứng gay gắt của một số cư dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở Sở Xây dựng TPHCM, phí bảo trì là một trong những vấn đề dẫn đến tranh chấp nhiều nhất tại các chung cư. Cụ thể, trong 44 chung cư có tranh chấp thì 31 chung cư là liên quan đến phí bảo trì... Tuy nhiên, ông Hải cho biết, theo quy định hiện hành, nếu chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị thì UBND TP tổ chức cưỡng chế. Thế nhưng, việc cưỡng chế cũng khó thực hiện nếu tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư không còn tiền, lúc đó phải xử lý bằng tài sản theo một quy trình rất dài nên tranh chấp cứ vậy leo thang, khiến cư dân bức xúc.

Theo Lao động
Cùng chuyên mục