Buộc lắp camera lên xe khách, xe tải bao giờ chốt?

02/07/2021 07:13 GMT+7
Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ sớm chốt vấn đề này.

Tại phiên họp về chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ tháng 6/2021, Chính phủ vừa thảo luận về đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Nội dung này đã được Bộ Giao thông vận (GTVT) tải đề xuất lên Chính phủ trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp vận tải. Theo Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể từ ngày 1/7/2021, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, đơn vị này kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải (qua đó gián tiếp lùi thời hạn thực thi quy định lắp camera nói trên).

Bộ GTVT kiến nghị từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo (lùi 6 tháng).

Từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên (lùi 12 tháng).Lý do của việc trì hoãn này, theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, là để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Buộc lắp camera lên xe khách, xe tải bao giờ chốt? - Ảnh 1.

Nhà xe ủng hộ việc lắp camrera. Ảnh: BL.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, mặc dù vận tải hành khách có sự sụt giảm nhưng vận tải hàng hóa thậm chí lại còn tăng trưởng trong dịch. Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vận tải hàng hóa tháng 5/2021 ước tính đạt 139,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,8% so với tháng trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 2,7%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 739 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 8%) và luân chuyển 146,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước giảm 7,5%).Cả năm 2020, mặc dù ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch, tổng trị giá xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0%, tương ứng tăng 18,39 tỷ USD so với năm trước. Tổng trị giá nhập khẩu năm 2020 tăng 3,7%, tương ứng tăng 9,31 tỷ USD so với năm trước.

Xuất nhập khẩu vẫn đã tăng trưởng ngay trong năm 2020 dù ảnh hưởng của dịch bệnh, và nó đã là trụ đỡ cho nhiều ngành, trong đó có vận tải hàng hóa.Chính vì vậy, các DN vận tải không muốn lắp và đang cố gắng lấy lý do dịch giã để trì hoãn là không phù hợp. Thực tế, các DN vận tải hành khách mới là đối tượng bị sụt giảm doanh thu, còn vận tải hàng hóa thậm chí còn tăng trưởng. Đề xuất hoãn chủ yếu là do doanh nghiệp vận tải ngại bị cơ quan quản lý nhà nước giám sát hơn là lý do kinh tế.

Các chuyên gia nhận định Nghị định ra từ tháng 1/2021, hiện đã có 18 tháng để chuẩn bị và đã có khoảng 10% doanh nghiệp lắp camera, nay hoãn thì cũng là bất công cho những đơn vị đã chủ động tuân thủ, tạo tiền lệ cứ trì hoãn, nghe ngóng đến phút cuối mới thực hiện.

Kết luận tại cuộc họp của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi pháp luật. Các bộ, ngành cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, ban hành, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật thật tốt, hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc triển khai công tác xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc hỗ trợ cần “kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.

Liên quan vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; quản lý người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải liên tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19.

Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng cần đánh giá kỹ, rà soát lại tình hình dịch bệnh ở những địa phương có nguy cơ ca rất cao dịch bệnh lây lan từ nơi này sang nơi khác qua hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ này đã chỉ đạo, đôn đốc các cục, tổng cục chuyên ngành đường bộ, hàng không, đường sắt bám sát tình hình dịch bệnh để triển khai các giải pháp giao thông phù hợp. Hiện nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, nhiều tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh, đường hàng không… phải cắt giảm hoặc tạm dừng hoạt động nhưng vẫn có khoảng 54% số lượng xe khách hoạt động (khoảng 462.000 xe, tương đương gần 1 triệu lái xe và phụ xe).

Đáng chú ý, việc quản lý các bến cóc, xe dù gặp nhiều khó khăn; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát việc vận chuyển người giữa các tỉnh, đặc biệt di chuyển từ vùng dịch.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, trên cả nước gần 400.000 điểm quét QR-Code để thực hiện khai báo y tế điện tử, quản lý người đi, đến.

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã chỉ đạo xây dựng xong một số phần mềm quản lý, giám sát vận chuyển hành khách trên các phương tiện vận tải công cộng. Bộ TT&TT sẽ có ngay văn bản gửi Bộ GTVT khẩn trương hướng dẫn các nhà xe cài đặt các phần mềm này.

Ông Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết đến nay, hoạt động vận tải hàng hóa cơ bản được vận hành thông suốt với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR-Code để kiểm tra thông tin phương tiện vận tải, người lái xe.

Dù vậy, việc đáng lưu ý là còn tình trạng các xe bắt khách dọc đường, không thực hiện khai báo y tế. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, sử dụng camera hành trình giám sát toàn bộ chuyến đi trên xe…

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xem xét giải pháp sử dụng mã QR trên thẻ BHYT, căn cước công dân, qua phần mềm khai báo y tế như Bluzone, NCOVI được cài đặt trên điện thoại thông minh cá nhân để thực hiện quản lý hành khách trên xe.

Các địa phương rà soát lại tất cả điểm dừng, các trạm dừng chân, trạm xăng, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật lên bản đồ antoancovid.vn, có thiết bị đọc QR-Code; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tập huấn phòng, chống dịch, xét nghiệm sàng lọc nhân viên làm ở những nơi này. Khi dừng tại các điểm nghỉ, trạm xăng trên tuyến vận tải, lái xe và các hành khách phải thực hiện quét QR-Code. Nơi nào không thực hiện phải xử lý nghiêm.

Bộ GTVT, Bộ TT&TT và Bộ Công an tập huấn, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra các nhà xe thực hiện cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý, giám sát vận chuyển hành khách, chỉ những xe khách đã cài đặt phần mềm mới được hoạt động.


PV
Cùng chuyên mục