Cả nước có 23 ổ dịch cúm gia cầm, chăn nuôi vẫn tăng cao
Tổng cục Thống kê vừa công bố Tình hình kinh tế xã hội tháng 2/2020. Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong tháng chịu tác động của thời tiết diễn biến bất thường mưa đá, mưa rào tại các địa phương phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và lấn sâu ở phía Nam. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển khá.
Khắc phục thời tiết khắc nghiệt, phát triển trồng trọt
Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước gieo cấy được 2.675,5 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 761,6 nghìn ha, bằng 103,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.913,9 nghìn ha, bằng 96,3%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.543,7 nghìn ha, bằng 96,7%.
Tại các tỉnh phía Bắc, nguồn nước tưới tiêu được cung ứng kịp thời, thuận lợi cho việc gieo trồng, các địa phương đã tranh thủ xuống giống sớm vụ đông xuân nên tiến độ gieo cấy nhanh hơn cùng kỳ năm trước, trong đó: Thanh Hóa đạt 110,2 nghìn ha, tăng 12,7 nghìn ha; Hà Nội đạt 40 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha; Vĩnh Phúc đạt 28,6 nghìn ha, tăng 4,3 nghìn ha. Hiện nay, lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, một số diện tích gieo trồng sớm đã xuất hiện sâu bệnh gây hại, cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến phát triển của cây lúa.
Các địa phương phía Nam đến nay cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân, trong đó diện tích gieo cấy của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 53,4 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên nhiều địa phương chủ động cắt giảm diện tích xuống giống hoặc chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước.
Đồng thời, các địa phương đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn như chuyển dịch thời vụ gieo trồng sớm hơn 10-20 ngày; tích nước ngọt tại các kênh mương nội đồng, bơm nước tưới cho những vùng bị khô hạn cục bộ; tăng cường áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm.
Hiện nay, lúa đang phát triển tốt, những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, một số đang trong giai đoạn ngậm sữa, chuẩn bị trổ bông, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 369,5 nghìn ha lúa đông xuân cho thu hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 23,9% diện tích gieo cấy của vùng.
Tuy nhiên, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tập trung quản lý việc cung cấp nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, chủ động tưới tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi, kịp thời ngăn chặn sớm và hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh gây hại đồng ruộng.
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng Hai, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 195 nghìn ha ngô, bằng 101,6% cùng kỳ năm trước; 39,8 nghìn ha khoai lang, bằng 92,3%; 7,4 nghìn ha đậu tương, bằng 85,1%; 79,6 nghìn ha lạc, bằng 103,8%; 414,4 nghìn ha rau đậu, bằng 101,7%.
Chăn nuôi ổn định
Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch; chăn nuôi gia cầm tăng cao nhưng thời tiết đang thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và lây lan, các địa phương và người chăn nuôi cần có biện pháp phòng và xử lý dịch hiệu quả ngay khi mới phát sinh để ngăn chặn bùng phát trên diện rộng. Ước tính tháng Hai, đàn bò cả nước tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước; đàn trâu giảm 3,1%; đàn lợn giảm 23%; đàn gia cầm tăng 13,8%.
Tính đến ngày 22/2/2020, cả nước có 23 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày (20 ổ dịch do H5N6 và 3 ổ dịch do H5N1) tại 7 địa phương với tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là hơn 80 nghìn con; có 79 ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày tại 7 tỉnh với tổng số gia súc mắc bệnh là 2,8 nghìn con; có 32 địa phương có 100% số xã dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày và 25 địa phương có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; cả nước không còn dịch lợn tai xanh.