Các cường quốc bơm bão tiền vào nền kinh tế khi nguy cơ suy thoái gần kề
Tập trung vào mục tiêu chính là hạn chế lây nhiễm dịch bệnh và tỷ lệ tử vong, các cường quốc trên toàn cầu hiện đang tập trung mọi nguồn lực để hạn chế tác động kinh tế không thể tránh khỏi từ sự bùng phát dịch Covid-19.
Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, Thượng viện Mỹ hôm 17/3 cho biết đang xem xét thông qua dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD để xoa dịu tác động từ dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, gói kích thích có thể được triển khai dưới dạng tiền mặt trực tiếp đến tay công dân Mỹ, bởi “Người Mỹ cần tiền mặt ngay lúc này”. Chính phủ cũng đang cân nhắc các gói cứu trợ và khoản vay ưu đãi cho ngành hàng không, một trong những lĩnh vực tổn thương nặng nề nhất từ vụ dịch.
Tại Anh, Chính phủ đã tiết lộ gói cứu trợ khẩn cấp 330 tỷ Bảng (khoảng 400 tỷ USD) đến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề và có nguy cơ phá sản khi số ca nhiễm virus corona tại nước này tăng lên 1.950 người với 50 ca tử vong. Theo các nhà dự báo, quy mô ngân sách cần thiết để phân bổ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình chịu thiệt hại có thể khiến nợ công của Anh tăng lên ngang với mức nợ khổng lồ hồi Thế chiến II (1939-1945). Tuy nhiên, ông Robert Chote, người đứng đầu Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách khẳng định: “Bây giờ không phải thời gian để cân nhắc đến gánh nặng nợ công”.
Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson cũng khuyến cáo người dân tránh xa các khu vực tập trung đông người trong không gian kín như quán rượu, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát… Nhiều nhà thờ ở Anh đã hoãn các buổi lễ trong khi nữ hoàng Elizabeth 93 tuổi phải di chuyển từ điện Buckingham đến Lâu đài Windsor ở bên ngoài London để đảm bảo an toàn.
Pháp mới đây cũng tuyên bố bơm 45 tỷ EUR (50 tỷ USD) vào nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi tăng trưởng GDP nước này năm 2020 được dự đoán giảm mạnh 1%. Bộ trưởng Ngân sách Gerald Darmanin khẳng định: “Tôi luôn hướng tới chính sách tài chính thắt chặt trong thời bình để Pháp không phải tiết kiệm ngân sách khi biến cố xảy ra”.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng tuyên bố nới lỏng quy tắc để cho phép các doanh nghiệp nhận khoản tài trợ tín dụng lên tới 500.000 EUR (khoảng 551.000 USD) hoặc bảo lãnh các khoản vay ngân hàng để đảm bảo thanh khoản, tránh nguy cơ vỡ nợ hoặc phá sản khi dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế.
Những kế hoạch bơm tiền khổng lồ như vậy không giúp thị trường thế giới rũ bỏ hoàn toàn sự hoảng loạn trước sự bùng phát dịch bệnh, nhưng phần nào tỏ ra hiệu quả trong việc trấn an nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh hôm 17/3, Dow Jones leo dốc hơn 1.000 điểm sau khi Nhà Trắng tiết lộ gói kích thích 1.000 tỷ USD. Mức tăng đã phần nào bù đắp phiên giảm tồi tệ nhất 3 thập kỷ hôm 16/3, khi Dow Jones tụt gần 3.000 điểm.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra lo ngại rằng những chính sách mạnh mẽ như vậy từ các chính phủ vẫn chưa đủ để cứu vãn nền kinh tế khỏi tác động của dịch Covid-19. Philippines hiện là quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường giao dịch vì dịch bệnh, trong khi các cổ phiếu hàng không và du lịch ở Châu Âu tiếp tục giảm sâu.
Các ngân hàng Trung Ương liên tiếp cắt giảm lãi suất trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế, nhưng thị trường lại lo sợ rằng Ngân hàng Trung Ương có thể sẽ dùng hết dư địa cắt giảm trước cả khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh được kiểm soát. Một ví dụ tiêu biểu là FED, cơ quan này đã đưa lãi suất cơ bản của Mỹ xuống mức 0-0,25% hôm 15/3 và tuyên bố nền kinh tế Mỹ hiện tại không phù hợp với chính sách lãi suất âm. Điều này đồng nghĩa với việc trong khoảng thời gian tiếp theo, FED không thể hỗ trợ nền kinh tế bằng công cụ cắt giảm lãi suất thêm lần nào nữa.
“Một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tương tự như khủng hoảng tài chính năm 2008 đang đến gần hơn bao giờ hết”.