Cải thiện mẫu mã để nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL

10/11/2019 12:00 GMT+7
Hiện nông sản nước ta vẫn chưa được khai thác hết tiềm lực khi giá trị trái cây vẫn còn thấp so với các nước xuất khẩu. Muốn nâng cao giá trị nông sản, ngoài đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, mẫu mã cũng là một yếu tố cần phải thay đổi.

Trung Quốc với 1,4 tỷ dân là thị trường khổng lồ cho các nước xuất khẩu nông nghiệp, mà Việt Nam lại là 1 quốc gia có những ưu thế vượt trội về hoa quả nhiệt đới. Tuy nhiên những tiềm năng từ Trung Quốc vẫn chưa được nước ta tận dụng triệt để.   

"Trung Quốc là một nước nhập khẩu rất nhiều hoa quả. Riêng Hà Nam đã nhập khẩu 5 triệu tấn hoa quả, trái cây. Việt Nam hiện tại chỉ chiếm 4.9% nên còn rất nhiều tiềm năng để tăng tỉ lệ xuất khẩu." – Ông Hồ Tòa Tầm – Tham vấn Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chia sẻ.

Để thuận đường xuất ngoại, đối với trái cây, đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp hơn 1.200 mã số vùng trồng cho 34 tỉnh thành phía Nam, cũng như cấp mã số cho hơn 1.100 cơ sở đóng gói để xuất khẩu 9 loại trái cây đi Trung Quốc.

Cải thiện mẫu mã để nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL - Ảnh 1.

Nông sản cần phải cải thiện mẫu mã để nâng cao giá trị xuất khẩu

Theo Bộ NN&PTNT, dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Bởi năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào quốc gia này chỉ đạt trên 8,6 tỷ USD và 9 tháng của năm nay là hơn 6 tỷ USD. Nếu so với quy mô 160 tỷ USD mà Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm, con số của Việt Nam khá khiêm tốn. Dù vậy, để nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng rộng đường thì cần có những thay đổi.

Sản xuất theo chuỗi an toàn là một trong những yêu cầu đầu tiên cần phải thực hiện. Bởi bỏ đi cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ truyền thống thì nông sản mới được theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ từ khâu bắt đầu đến khâu thu hoạch, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất.

Bên cạnh đó, nông sản muốn tăng được giá trị, nghĩa là bán được nhiều tiền hơn và thu được lợi nhuận nhiều hơn thì nhờ một phần rất lớn vào mẫu mã sản phẩm. Chất lượng đảm bảo, mẫu mã theo đúng quy chuẩn, bắt mắt và kích thích được tiêu dùng sẽ là những yếu tố góp phần nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Để tháo gỡ những vướng mắc này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để gia tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp phải hướng tới tạo ra sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng, giúp giá các mặt hàng cao hơn.

Sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản, các kho dự trữ, hệ thống giao thông vận chuyển, đảm bảo sự hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả của các tổ hợp sản xuất công nông nghiệp hoàn chỉnh. Vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa giải quyết đầu và và đầu ra, giảm bớt những tổn thất không mong muốn.

Mai Trang
Cùng chuyên mục