Cần đẩy nhanh quá trình nâng hạng chứng khoán Việt từ cận biên lên mới nổi

16/07/2019 17:08 GMT+7
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng trao đổi với các đơn vị tại Hội nghị

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải. Cùng dự Hội nghị có tập thể Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các đơn vị thuộc Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP HCM, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cũng đã trao đổi, làm rõ thêm đối với các đề xuất, kiến nghị của đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban về việc phát triển các sản phẩm mới; vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 163/NĐ-CP.

Về đề xuất áp dụng thêm các dạng mới của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm của đại diện Sở GDCK TP HCM, Chủ tịch Trần Văn Dũng cho rằng, hiện tại, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm mới được đưa vào hoạt động song đã được thị trường đón nhận tích cực. Thanh khoản bước đầu cao hơn nhiều so với thị trường cổ phiếu (về số tương đối). Tuy nhiên, để có thể áp dụng thêm các dạng khác của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm thì cần tiếp tục có sự theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó mới đưa ra điều chỉnh phù hợp.

Với đề xuất đưa thêm các Hợp đồng Tương lai chỉ số khác ngoài Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 của Sở GDCK Hà Nội, theo người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông qua lộ trình phát triển sản phẩm, trong đó, Hợp đồng tương lai trên chỉ số ngoài VN30 đã có trong lộ trình và được chấp thuận. Dự kiến sẽ có Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN50, VN100, VN200. Ông Dũng đề nghị Sở GDCK Hà Nội cân nhắc, thăm dò ý kiến thành viên thị trường để có thứ tự ưu tiên đưa thêm sản phẩm phù hợp…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đánh giá cao và biểu dương những kết quả đã đạt được của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2019. Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới chịu tác động chung của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nhất định nhưng nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển.

về mặt hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019), dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Đồng thời cũng đã ban hành các Thông tư, Đề án để triển khai thực hiện, tăng cường thêm công tác hướng dẫn, quản lý thị trường. Đặc biệt đã trình và ban hành Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 trong đó cụ thể hóa 8 nhóm giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khóa Việt Nam trong thời gian tới; trình Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Về quản lý thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rút kinh nghiệm từ những biến động của thị trường chứng khoán năm ngoái; đã tạo thêm những hàng hóa, sản phẩm mới cho thị trường. Theo đó, mặc dù 2 sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và Hợp đồng Tương lai Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm mới ra mắt thị trường nhưng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Cho rằng nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian tới, nhất là 6 tháng cuối năm 2019 còn khá nặng nề, Thứ trưởng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bám sát chương trình, kế hoạch trọng tâm và giải pháp thực hiện đã đề ra, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi đảm bảo đạt được kết quả như kỳ vọng, tạo ra sự phát triển của một “thế hệ hai” đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới, đồng thời khẳng định vị thế, địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc quản lý và phát triển thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi để đảm bảo đồng bộ trong thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP HCM để thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán theo Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đòi hỏi phải triển khai thận trọng, đồng bộ tất cả các mặt, cần đảm bảo khi Sở GDCK Việt Nam ra đời vận hành thông suốt, không gây xáo trộn, ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động của 2 Sở hiện hành, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và các công ty chứng khoán trên thị trường.” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ba là, phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Tài chính ngân hàng và các đơn vị liên quan thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu để báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 126/NĐ-CP, Nghị định 32/NĐ-CP….

Bốn là, tiếp tục phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở Đề án đã trình Chính phủ về tái cơ cấu cũng như lộ trình phát triển các sản phẩm mới phù hợp thông lệ quốc tế, tạo sự sôi động, sức hút trên thị trường, góp phần làm phong phú thêm hàng hóa trên thị trường, “Cần tính toán để đảm bảo ra mắt sản phẩm nào là phải tổ chức thực hiện thành công sản phẩm đó. Riêng đối với hai sản phẩm mới triển khai (chứng quyền có bảo đảm, Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm), cần theo dõi, đánh giá, có điều chỉnh cần thiết vào thời điểm thích hợp”- Thứ trưởng lưu ý.

Năm là, triển khai gói thầu KRX, trang bị hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực, thông lệ quốc tế, cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ, tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. Đề nghị các đơn vị thụ hưởng (2 Sở GDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam) và các đơn vị thuộc Bộ liên quan phối hợp thực hiện, xử lý các công việc liên quan, đảm bảo hệ thống KRX đi vào vận hành đúng thời điểm đã định.

Sáu là, cùng với yêu cầu phát triển thị trường, cần tập trung nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bảy là, dự báo thời gian tới, kinh tế thế gới tiếp tục biến động, kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi các tác động. Đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, báo cáo Bộ, Chính phủ các giải pháp cần thiết để giữ vững sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tám là, đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

Chín là, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, các sản phẩm mới, công tác triển khai đề án nâng hạng thị trường,… cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, dư luận xã hội hiểu từ đó đồng thuận với cơ quan quản lý.

P.V
Cùng chuyên mục