Chàng trai 8X, xây dựng thành công thương hiệu Yến sào xứ Thanh từ những điều không tưởng
Sau bao năm bươn trải Nam Bắc lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Tú, thôn Tây Hòa, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã quyết định trở về quê hương đưa mô hình nuôi chim yến lấy tổ - một nghề xa lạ, không tưởng với hầu hết người dân xứ Thanh thời điểm ấy. Tuy nhiên, với niềm đam mê học hỏi, dám nghĩ dám làm, sau gần 10 năm, anh Tú đã xây dựng thành công thương hiệu “Yến sào xứ Thanh” mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chàng “khùng” nuôi yến
Hành trình mưu sinh khởi nghiệp trên đất miền Nam, Tú đã biết đến mô hình nuôi chim yến trong nhà. Thấy đây là mô hình kinh tế hiệu quả cao, Tú đã đến tận cơ sở sản xuất yến có uy tín ở Nha Trang - Khánh Hòa để học tập. Để tích lũy kiến thức cho bản thân, anh xin đi làm thợ, phụ chủ lắp đặt nhà yến cho khách hàng ở các nơi. Sau khi thấy học hỏi được đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức để có thể xây dựng nuôi yến Tú đã quyết định táo bạo đưa mô hình nhà yến này về quê hương lập nghiệp.
Năm 2012, anh quyết định trở về quê hương đầu tư cải tạo tầng 2 của căn nhà nơi gia đình sinh sống làm nhà yến. Nhưng những năm đầu Nguyễn Văn Tú gặp không ít khó khăn và gian nan thử thách có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc.
Nguyễn Văn Tú chia sẻ: khi đó bà con ở vùng đất Hậu Lộc đều gọi mình là Tú “khùng” làm sao có chuyện có thể nuôi được chim yến, và không thể có chuyện yến về làm tổ vì thời tiết mùa đông ở miền bắc.
“Thời điểm 2012, 2013 mình đã vay mượn cầm cố gia sản để có được một nguồn vốn xây dựng 100 mét vuông nhà yến. Theo kinh nghiệm để có thể gọi chim yến về, cần phải tính toán cẩn trọng các thông số kĩ thuật phức tạp về kích thước, chất liệu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của chim yến. Nhờ đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà yến của anh Tú đã thu hút được lượng lớn chim yến về làm tổ, sinh sản định kỳ. Cứ nghĩ mọi chuyện thuận lợi, nhưng sang đông khí lạnh miền bắc khiến chim yến yếu đi và không ở lại. Khí hậu giá rét chính là khắc tinh của chim yến khi mùa đông về.
Trải qua những ngày không ăn, không ngủ, nhìn chim yếu mà xót xa...cuối cùng mình đã tìm được giải pháp khắc tinh mùa đông để yến có thể trú ngụ tại nhà yến và cho sinh sản bình thường. Với hệ thống phòng chống rét cho chim yến trong mùa đông trong nhà yến, Tú đã tìm được thành công cho kỹ thuật nhà yến tại miền bắc mà không lo sợ vì giá rét", Tú cho biết.
Kết tinh thành quả ngọt
Chia sẻ với phóng viên DĐDN, Nguyễn Văn Tú cho biết: “Trải qua những năm tháng khởi nghiệp, gặp phải khó khăn không ít nhưng chưa một lần Nguyễn Văn Tú có ý định sẽ từ bỏ hay dừng lại. Sau cùng những kinh nghiệm, sáng tạo trong kỹ thuật nuôi yến Tú đã thành công ngoài mong đợi”.
Năm 2015, khi đã có nguồn cung ổn định từ nhà yến, để nâng cao giá trị sản phẩm, Tú đã đi học kỹ thuật và đầu tư một dây chuyền với đầy đủ các loại máy móc như: Máy trộn yến, máy chiết, tiệt trùng, đóng màng co... để sản xuất nước yến chưng cấp.
Tới đó, năm 2017 Nguyễn Văn Tú chính thức thành lập công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh, chuyên sản xuất các sản phẩm từ yến sào thô, yến sào tinh chế và yến đóng hũ, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đến nay, các sản phẩm từ tổ yến của anh Tú đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, bước đầu một số sản phẩm được xuất khẩu.
Lao động tại công ty luôn duy trì 7-10 người, có mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng. Thế mạnh của Công ty hiện tại không chỉ là nuôi yến và sản xuất mà Tú còn nhận thiết kế nhà yến và chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tập thể có nhu cầu đầu tư, nuôi nhà yến. Công ty cũng nhận bao tiêu sản phẩm cho các nhà yến mà mình chuyển giao.
Hiện nay, mỗi năm Công ty của Tú xuất bán hàng 100 kg yến sào thô và hàng nghìn hũ yến chưng, cho doanh thu hàng tỷ đồng. Sản phẩm yến sào của gia đình anh đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao sản phẩm Ocop cấp tỉnh năm 2019. Những năm tới, Nguyễn Văn Tú còn mong muốn được mở rộng nhiều mô hình nhà yến và cùng liên kết với người dân để cùng làm giàu trên chính quê hương mình.