Chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ giáng đòn xuống kinh tế Châu Âu?
Ông Bruno Le Maire - Bộ Trưởng Bộ Kinh tế và Tài Chính Pháp cho hay trên thực tế, ảnh hưởng từ tranh chấp thương mại và xung đột thuế quan từ lâu đã vượt ra ngoài hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tại Hội nghị các Bộ Trưởng Tài Chính G20 tổ chức tại Nhật Bản, ông Bruno Le Maire cho rằng nền kinh tế Châu Âu đã trở nên tồi tệ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung, mà ví dụ tiêu biểu là Pháp và Đức.
“Tăng trưởng kinh tế dự kiến của Châu Âu đã không đạt được như kỳ vọng vì căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc” - ông Bruno Le Maire nhấ mạnh. “Tôi muốn nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là khủng hoảng tại Châu Âu”.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài Chính Pháp Bruno Le Maire
Ông Bruno Le Maire không phải quan chức Châu Âu duy nhất quan ngại về tác động của chiến tranh thương mại. Ông Pierre Moscovici, Ủy viên các vấn đề kinh tế và tài chính, thuế và hải quan châu Âu cũng bày tỏ niềm lo lắng tương tự.
“Chúng tôi lo ngại về căng thẳng thương mại vì Châu Âu là những nền kinh tế mở, chúng tôi tôn trọng thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương. Đó là lý do vì sao chủ nghĩa bảo hộ không được chào đón”. Ông Pierre Moscovici còn nhấn mạnh, chiến tranh thương mại leo thang là “mối đe dọa tồi tệ nhất đối với nền kinh tế thế giới”.
Ủy viên các vấn đề kinh tế và tài chính, thuế và hải quan châu Âu - Ông Pierre Moscovici
Ông Bruno Le Maire cũng tiết lộ, trong một cuộc hội kiến gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay Mỹ không muốn chiến tranh thương mại leo thang. Nhưng điều này phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 6.
Khi được hỏi liệu Pháp có hưởng ứng các cảnh báo của Mỹ về nguy cơ an ninh quốc gia khi sử dụng thiết bị Huawei hay không, ông Bruno Le Maire cho hay vấn đề này cần được cân nhắc, vì nó không chỉ liên quan đến một công ty cụ thể, mà ở bức tranh lớn hơn, nó là mối quan hệ giữa hai quốc gia và việc đảm bảo lợi ích an ninh cho Pháp cần được ưu tiên hơn cả.
Ông cũng cho biết thêm Huawei hiện đang đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới công nghệ 4G của Pháp. Bất kỳ quyết định nào liên quan đến Huawei sẽ được Chính phủ Pháp xem xét thận trọng để đảm bảo công nghệ 5G phát triển mà không gây ảnh hưởng gì đến lợi ích quốc gia hay chủ quyền quốc gia.
Nhận định về quan điểm cho rằng chiến dịch nhắm vào Huawei của Nhà Trắng thực chất là một đòn bẩy để giành được lợi thế trên bàn đàm phán thương mại, ông Bruno Le Maire khẳng định Chính phủ cần phân biệt rạch ròi các vấn đề thương mại và phi thương mại.
Nhà Trắng hiện đang bị chỉ trích vì sử dụng trừng phạt thuế quan để đạt được các thỏa thuận phi thương mại, như tuyên bố chung với Mexico mới đây. Cụ thể, Tổng thống Trump đã đe dọa áp thuế 5% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico một khi Chính phủ nước này không giải quyết hiệu quả tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Mặc dù Mexico sau đó chấp nhận thỏa hiệp và ký tuyên bố chung, ông Moscovici vẫn khẳng định việc dùng thuế quan để trừng phạt nhập cư trái phép là một...tiền lệ lạ.
Ở phía ngược lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Mnuchin bảo vệ quan điểm của ông Trump về việc sử dụng thuế quan như vũ khí trong các tranh chấp thương mại. “Chúng ta có những công cụ quan trọng, không lý gì chúng ta lại không sử dụng chúng”.