Chiến tranh tiền tệ: Mỹ có cửa thắng khi phá giá USD?
Trump muốn dấn thân vào chiến tranh tiền tệ?
Hiểu một cách đơn giản, chiến tranh tiền tệ xảy ra khi một quốc gia cố gắng làm suy yếu tiền tệ của mình trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, để đạt được lợi thế cạnh tranh trước các quốc gia khác.
Hồi tháng 6.2019, ông Trump từng cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng NDT khiến thặng dư thương mại với Mỹ lên mức bất thường, qua đó giảm thiệt hại do trừng phạt thuế quan của Mỹ gây ra. Washington cũng đổ lỗi cho Châu Âu cố tình phá giá tiền tệ để giành lợi thế cạnh tranh trước hàng hóa của Mỹ.
Joachim Fels, cố vấn kinh tế toàn cầu từ Pimco trong cuộc trao đổi với CNBC đã đề cập tới một cuộc chiến tiền tệ mà nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra khi các ngân hàng Trung Ương trên thế giới liên tục cắt giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ để phá giá đồng tiền trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Ông Joachim đồng thời lưu ý, ngay từ sau khi giữ chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã trò chuyện với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về một chính sách phá giá đồng USD.
Với việc FED gợi ý cắt giảm lãi suất cuối tháng 7 tới, một tình thế như vậy có thể xuất hiện. “Chiến tranh tiền tệ đang nóng lên. Cả FED và Ngân hàng Nhật Bản sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Nhiều dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung Ương Châu Âu ECN cũng hướng đến cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay”. Ông Joachim cho hay. “Chúng ta đang quay trở lại một thời điểm mà cả nền kinh tế đều trông chờ đồng USD yếu hơn. Ngay cả ngân hàng Trung Ương cũng không muốn duy trì chính sách đồng USD mạnh, đó là lý do tại sao dẫn đến chiến tranh tiền tệ”.
Hồi tuần trước, Chủ tịch FED chi nhánh New York, ông John Williams cho hay các ngân hàng Trung Ương cần hành động nhanh chóng và mạnh mẽ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. “Một biện pháp phòng ngừa sẽ hữu ích hơn ngồi chờ đợi thảm họa xảy ra”. Phát ngôn này ngay lập tức làm tăng kỳ vọng cắt giảm lãi suất tới 0,5%. Thị trường giờ đây băn khoăn, liệu Ngân hàng Trung Ương sẽ cắt giảm 0,25% vào tháng 7 và 0,25% trong các tháng tiếp theo, hay cắt giảm luôn 0,5% lãi suất ngay trong tháng 7 này? Dù điều gì xảy ra, thì hành động cắt giảm lãi suất cũng là một động lực để làm suy yếu đồng USD.
Hồi tháng 2.2019, các quan chức Liên Hợp Quốc đã cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ Trung nhiều khả năng sẽ biến thành chiến tranh tiền tệ, sau khi ông Donald Trump nhận ra sức mạnh đồng USD khiến Mỹ bị giảm đi lợi thế cạnh tranh trong giao dịch thương mại toàn cầu.
Nhận định về việc phá giá đồng USD, ông Joachim cho hay: “Nếu có kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ này, đó sẽ là Mỹ”. Nhưng chiến thắng có dễ dàng đến thế?
Phá giá đồng USD có đơn giản?
Rõ ràng, chính quyền Trump không thể tự làm suy yếu đồng USD mà không có sự hỗ trợ của FED hay ngân hàng Trung Ương. Hầu hết dự trữ ngoại tệ 126 tỷ USD của Mỹ đều được đặt trong Quỹ Ổn định hối đoái (Exchange Stabilization Fund - ESF) do Bộ Tài chính quản lý, con số này quá nhỏ so với dòng giao dịch USD trên thị trường. Ông Trump cần FED, cần sức ảnh hưởng khổng lồ của FED trên thị trường tài chính và tiền tệ để phá giá đồng USD.
Nhưng hoạt động của FED là độc lập. Sự tăng giảm lãi suất của FED là để duy trì ổn định nền kinh tế, giá cả, thị trường việc làm, tăng trưởng GDP… trong dài hạn. Việc đưa FED vào cuộc chiến tiền tệ có thể là một thách thức.
Tất nhiên, phá giá đồng USD sẽ thúc đẩy lạm phát tiến gần hơn đến mức mục tiêu 2% mà FED đặt ra, nhưng việc can thiệp vào thị trường ngoại hối để phá giá đồng USD sẽ đi ngược lại thỏa thuận năm 2013 giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung Ương trên thế giới về việc tránh sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ đạt được các mục tiêu kinh tế.
Hôm 19.6, Chủ tịch FED Jerome Powell đã từ chối trả lời về việc liệu Ngân hàng Trung Ương có hỗ trợ can thiệp tỷ giá hay không. Trước đó, FED đã nhiều lần khẳng định không chịu áp lực từ các yếu tố chính trị hay sức mạnh thị trường. Mặt khác, giá trị đồng USD luôn được xem như thước đo phản ánh sức mạnh nền kinh tế Mỹ. Tức là Ngân hàng Trung Ương sẽ phải cân nhắc nhiều trước mỗi quyết sách của mình.
Một trong những yếu tố khiến đồng USD duy trì sức mạnh trong năm 2018 là việc FED liên tục tăng lãi suất trong khi các ngân hàng Châu Âu vẫn giữ lãi suất thấp, điều khiến ông Trump hướng toàn bộ sự chỉ trích vào Chủ tịch FED Jerome Powell. Cùng với đó, nhu cầu tài sản rủi ro giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang cũng là nguyên nhân khiến đồng USD mạnh lên.
Eswar Prasad, chuyên gia chính sách thương mại Đại học Cornell nhận định: “Các biện pháp can thiệp giá trị đồng USD có thể không hiệu quả do những yếu tố kinh tế vĩ mô”. Tức là đồng USD có thể sẽ suy yếu ngay cả khi chính quyền Trump không can thiệp. Hành động cắt giảm lãi suất mà FED gợi ý vô hình chung sẽ làm suy yếu đồng USD, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc và thâm hụt ngân sách gia tăng.