Tại sao Quỹ Bảo trì đường bộ bị đề nghị bãi bỏ?

16/08/2019 12:09 GMT+7
Nguyên nhân là do năm 2015, Pháp lệnh phí và lệ phí được nâng lên thành Luật Phí và lệ phí, được quy định, tất cả các khoản phí và lệ phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018". Đồng thời, kiến nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hằng năm.

Trước kiến nghị này, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung Ương cho biết, quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập đúng nguyên tắc trên cơ sở hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất như: Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng.

Tại sao Quỹ Bảo trì đường bộ bị đề nghị bãi bỏ?.

Đây là quỹ Nhà nước nằm ngoài ngân sách, hoạt động theo cơ chế Hội đồng, không phải nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, được giám sát như đối với nguồn vốn ngân sách. Hàng năm được Bộ GTVT, Bộ Tài chính thẩm định quyết toán, mọi hoạt động được kiểm tra giám sát bởi hệ thống Thanh tra Tài chính, Kiểm toán Nhà nước...

Đoàn giám sát Quốc hội có đề nghị một số quỹ dừng hoạt động vì một trong các lý do: Hoặc hoạt động không có hiệu quả, hoặc chưa đi vào hoạt động và chưa triển khai nhiều nội dung công việc; chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính hoặc có hoạt động thu chi trùng với hoạt động thu chi của ngân sách.

Theo ông Lê Hoàng Minh, việc đề nghị dừng hoạt động quỹ Bảo trì đường bộ là do Bộ Tài chính và đoàn giám sát cho rằng quỹ chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính và có hoạt động thu chi trùng với hoạt động thu chi của ngân sách.

Nguyên nhân là do năm 2015, Pháp lệnh phí và lệ phí được nâng lên thành Luật Phí và lệ phí, được quy định, tất cả các khoản phí và lệ phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Do đó, phí sử dụng đường bộ cũng phải nộp vào ngân sách.

Ngoài ra, luật Ngân sách ra đời quy định các quỹ nằm ngoài ngân sách phải tự cân đối được thu chi và hoạt động độc lập với ngân sách. Quỹ Bảo trì đường bộ không đảm bảo được yếu tố này vì nguồn thu mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu bảo trì đường bộ.

Nói về nguồn thu chi của quỹ bảo trì đường bộ, ông Lê Hoàng Minh cho rằng, việc thu phí của quỹ đã nộp vào ngân sách (trùng với hoạt động thu của ngân sách). Do đó, nguyên nhân duy nhất khiến đề xuất dừng hoạt động quỹ Bảo trì đường bộ là chưa hoàn toàn tự chủ về tài chính và hoạt động trùng với hoạt động của ngân sách.

Đối với việc chủ phương tiện phải đóng quỹ bảo trì đường bộ, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ, hiện việc bãi bỏ quỹ này mới chỉ là  đề xuất, Thường vụ Quốc hội chưa có kết luận về việc này. Sau khi Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giám sát thì các cơ quan liên quan sẽ căn cứ vào Nghị quyết để thực hiện các bước tiếp theo.

Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đã được quy định theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015 của Quốc hội. Như vậy, việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không có nghĩa là không phải đóng phí sử dụng đường bộ. Việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành.

Việc đóng phí sử dụng đường bộ của người dân và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo luật và tiếp diễn bình thường tại các trung tâm đăng kiểm. Phí sử dụng đường bộ sẽ được Cục Đăng kiểm tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Thế Anh
Tags:
Cùng chuyên mục