Nội địa hóa - lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp ngành giao thông

25/06/2019 09:25 GMT+7
Thay vì nhập khẩu vật liệu với chi phí đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất trong nước, góp phần tăng tỷ trọng hàng nội địa.

Hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế của từng địa phương, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược tăng tỷ trọng nội địa hóa trong quy trình sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp trong ngành giao thông.

Theo "Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam" do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản công bố hồi đầu tháng 3, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam năm 2018 đạt 36,3%. Trong giai đoạn 2008 - 2018, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên và lần đầu tiên vượt Malaysia.

Doanh nghiệp trong ngành giao thông không đứng ngoài cuộc

Ông Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian dài, các vật liệu chính phục vụ công trình giao thông, nhất là sản phẩm cho cầu như cáp dự ứng lực, neo, gối cầu, khe co giãn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến chi phí sản phẩm cao, thời gian nhập khẩu kéo dài, đối diện với vấn đề về chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như hiệu quả của công trình.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu cung cấp cho ngành xây dựng cầu đường bắt đầu đầu tư nghiêm túc để nội địa hóa trong các quy trình sản xuất. Ngoài cung ứng tại các công trình trong nước, không ít doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường quốc tế.

Trong nhiều doanh nghiệp đáng kể có Tập đoàn Hòa Phát xây dựng nhà máy sản xuất thanh thép dự ứng lực (PC bar), cáp thép dự ứng lực (PC Strand) và dây thép dự ứng lực (PC Wire)... với dây chuyền và trang thiết bị hiện đại, sử dụng trong những công trình quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật, khả năng chịu tải, độ an toàn cao.

Công ty cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng) cũng là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực giao thông khi đưa sản phẩm khe co giãn mang thương hiệu "Made in Việt Nam" ra thị trường từ năm 2014. Vượt qua những quy định về chất lượng sản phẩm tại các công trình lớn, sản phẩm do Vĩnh Hưng sản xuất được sử dụng tại các dự án yêu cầu trình độ kỹ thuật cao.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong những dự án tiêu biểu sử dụng gối cầu và khe co giãn trong nước do Vĩnh Hưng sản xuất.

Theo ông Đức, việc đầu tư chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài về việc sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam là xu thế tất yếu.

"Qua thực tế triển khai các dự án trên thị trường Việt Nam, một số đơn vị sản xuất gối cầu, khe co giãn trong nước sản phẩm đảm bảo chất lượng, độ hoàn thiện cao không thua kém các sản phẩm được sản xuất tại các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng giá cả lại cạnh tranh", vị này cho biết.

Lợi thế cạnh tranh 

Là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ phục vụ xây dựng công trình giao thông và công trình công nghiệp, thời gian qua, Công ty cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng cũng nỗ lực để nội địa hóa sản phẩm.

Để có những sản phẩm thuần nội địa, doanh nghiệp thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng IP) với nhà máy rộng hơn 15.000m2 tại khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Các sản phẩm chủ yếu là gối cầu; khe co giãn; vách chống ồn; neo dự ứng lực; lan can; giá đỡ pin năng lượng mặt trời.

Nhà máy Vĩnh Hưng IP được đầu tư quy mô và đồng bộ. 

Ông Võ Tá Lương, Tổng giám đốc công ty cho biết, nhà máy có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi tổ chức Bureau Veritas và đang trong quá trình xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015.

"Nhà máy của Vĩnh Hưng được thành lập với định hướng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới. Chúng tôi cam kết đặt vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hàng đầu", ông Lương nói.

Sản phẩm của doanh nghiệp khắc phục nhược điểm của các loại vật liệu trước đó do không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, giá cả cạnh tranh, chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo bởi dây chuyền sản xuất hiện đại, rút ngắn thời gian cung ứng sản phẩm. Nhờ đó, các công trình có thể tiết kiệm chi phí sản phẩm, tăng hiệu quả đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Vĩnh Hưng IP còn nghiên cứu để cải tiến các tính năng phù hợp với thời tiết, khí hậu và thực tế khai thác tại thị trường Việt Nam. Tại mỗi công trình, doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn thi công lắp đặt, bảo hành, bảo trì.

Do vậy, sản phẩm của Vĩnh Hưng IP được nhiều nhà thầu, đơn vị thi công đánh giá cao. Hiện nay các sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt trên 36 tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Các dự án trọng điểm quốc gia sử dụng sản phẩm của công ty như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nút giao thông Thanh Trì - quốc lộ 5, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Bạch Đằng...

"Sản phẩm gối cầu của Vĩnh Hưng IP vượt qua các khâu thí nghiệm nghiêm ngặt và sử dụng tại dự án Nhổn - Ga Hà Nội. Qua thực tế sử dụng, chúng tôi đánh giá sản phẩm có chất lượng tốt tương đương với hàng ngoại nhập nhưng giá thành cạnh tranh hơn, tiến độ cung cấp nhanh", ông Nguyễn Hoàng Cường - Trưởng phòng quản lý chất lượng Công ty Dealim Industrial Co., Ltd cho biết.

Việc đầu tư nhà máy hiện đại nhằm thay thế hàng ngoại nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa trong nước là một xu hướng tất yếu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vĩnh Hưng IP đang từng bước thực hiện sứ mệnh đưa sản phẩm Việt vào các công trình giao thông khắp mọi miền Tổ quốc.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục