10 "thiên nga xám" có nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái

19/08/2019 06:42 GMT+7
Dưới đây là 10 rủi ro vĩ mô có khả năng làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến nửa đầu tháng 8 đầy sóng gió khi thương chiến Mỹ Trung leo thang đến đỉnh điểm và đường cong lợi suất đảo nghịch báo hiệu những dấu hiệu u ám của suy thoái kinh tế. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã giảm 3,7% so với tháng 7 trong khi chỉ số S&P 500 giảm 3,1% và chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 3,4%.

Dưới đây là 10 rủi ro vĩ mô có khả năng làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

1. Brexit không thỏa thuận

Ngày 31.10 sắp tới là hạn chót để Anh rời Liên minh Châu Âu, và Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson ngay khi vừa lên nắm quyền đã khuyên người Anh nên chuẩn bị tâm lý cho một sự ly khai EU mà không có thỏa thuận chính thức nào. Bất chấp những nguy cơ hỗn loạn và hậu quả đi kèm với Brexit không thỏa thuận, Anh dường như đang tiến gần hơn tới một tương lai như vậy. Các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ thậm chí còn đề nghị Boris Johnson đưa Anh rời khỏi EU đơn phương vào 24.8 tới đây.

Ở phía đối lập, nhiều chính khách Anh như Bộ trưởng Văn hóa Anh Margot James, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Mỹ của Anh Alan Duncan...đã từ chức ngay khi ông Boris Johnson lên nắm quyền Tân Thủ tướng để phản đối một sự ly khai không trật tự.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của nước Anh hồi tháng 7 đã đưa ra dự đoán nước này sẽ bước vào một cuộc suy thoái nếu rời EU mà không có thỏa thuận thống nhất nào. Nền kinh tế Châu Âu vốn đã chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng suy yếu kinh tế toàn cầu, cũng sẽ phải đối diện với những ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn thương mại và các rào cản một khi Anh ly khai.

2. Thuế quan với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ EU

Ngoài Brexit, EU còn đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng hơn nữa: xung đột thuế quan với Mỹ. Hôm 17.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế lên các mặt hàng phụ tùng ô tô và ô tô nhập khẩu từ Châu Âu, điều có thể làm giá ô tô do Châu Âu sản xuất tại Mỹ tăng lên trung bình 10.000 EUR (260 triệu đồng) mỗi chiếc. Dù mức thuế này sau đó được ông Trump xem xét và trì hoãn trong vòng 180 ngày, thì các nước EU (nhất là những nước có nền công nghiệp ô tô phát triển như Đức, Thụy Điển…) đều tỏ ra lo ngại. 

3. Tranh chấp thương mại Mỹ - EU

Không chỉ xung đột thuế quan, Mỹ và EU còn bất đồng quan điểm trên nhiều phương diện thương mại rộng lớn hơn. Hồi năm ngoái, Mỹ từng áp đặt mức thuế 25% với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm từ EU, điều khiến EU sau đó quyết định trả đũa bằng mức thuế 25% với mặt hàng thép nhập khẩu từ Mỹ.

Xung đột còn gay gắt hơn khi Mỹ tố những khoản trợ cấp hàng tỷ USD của EU với Airbus vô hình đã gây ra thiệt hại nặng nề cho hãng Boeing của nước này, và đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa. Việc Mỹ yêu cầu đưa các vấn đề nông nghiệp vào đàm phán thương mại nhưng bị EU thẳng thường bác bỏ cũng trở thành mâu thuẫn lớn trong quan hệ giữa hai khối kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc EU cũng Trung Quốc cố tình hạ giá tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu với Mỹ. Nhìn chung, sau căng thẳng thương mại Mỹ Trung, xung đột Mỹ - EU là một rủi ro lớn với kinh tế toàn cầu.

4. Biểu tình ở Hồng Kông 

Bất ổn chính trị ở Hồng Kông đã kéo dài trong hơn hai tháng nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bắt đầu từ cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc đại lục, phong trào sau đó đã biến thành một làn sóng dân chủ thu hút hàng triệu người tham gia.

Chỉ số Hang Seng đã giảm 14% kể từ hồi tháng 6 đến nay, đặt ra nhiều mối quan ngại về tình hình kinh tế của Hồng Kông với tư cách một trong những trung tâm tài chính Châu Á. Quan trọng hơn, vấn đề Hồng Kông còn có nguy cơ gây ra những sóng gió lớn cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây.

5. Thâm hụt ngân sách của Ý

Ý vừa tránh được lệnh trừng phạt của Ủy ban Châu Âu sau khi Chính phủ nước nay cam kết kiềm chế thâm hụt ngân sách xuống mức chấp nhận được trong năm 2019. Hồi tháng 6, Thủ tướng Conte cho biết thâm hụt ngân sách của nước này đang trên lộ trình hướng tới con số tương đương 2,04% GDP, dưới ngưỡng giới hạn 3% theo quy định của EU.

Nhưng mối quan ngại đặt ra là liệu nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Âu có tiếp tục đụng độ Ủy ban Châu Âu trong chiến dịch trừng phạt vào năm tới, khi thiết lập thâm hụt ngân sách lên tới 3,5% GDP, phá vỡ các quy tắc tài chính của EU để thúc đẩy việc làm và cứu vãn nền kinh tế?

6. Xung đột Mỹ - Iran

Dù đã tạm lắng xuống trong thời gian gần đây do xung đột Mỹ Trung nóng trở lại, nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran chưa bao giờ êm đẹp. Sự cố hai tàu chở dầu trên eo biển Hormuz mà quân đội Mỹ cáo buộc có bằng chứng cho thấy Iran nhúng tay đã khiến đất nước Hồi giáo đe dọa đóng cửa eo biển vốn là tuyến đường thông thương quan trọng của ⅓ chuyến hàng dầu mỏ trên toàn thế giới. Một khi căng thẳng Mỹ Iran leo thang trở lại, không chỉ thị trường dầu mỏ toàn cầu chao đảo, mà nền kinh tế thế giới theo đó cũng sẽ nhận những tác động tiêu cực.

7. Chiến tranh tiền tệ

Trong khi đồng USD mạnh đang khiến Tổng thống Trump đau đầu thì việc Ngân hàng Trung Ương Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc liên tục làm suy yếu tiền tệ để kích thích kinh tế giữa bối cảnh bất ổn thương mại đang có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn diện.

Hồi đầu tháng 8, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để tỷ giá NDT xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD đã khiến Bộ Tài chính Mỹ lập tức dán nhãn nước này thao túng tiền tệ, bất chấp những ý kiến trái chiều. Dù Bắc Kinh khẳng định không muốn tham gia vào chiến tranh tiền tệ với Mỹ, không thể loại trừ nguy cơ cuộc chiến này bùng phát trong tương lai. Nhất là khi ông Trump gần đây liên tục gây áp lực cho FED cắt giảm lãi suất như một phần trong nỗ lực làm suy yếu đồng USD.

8. Xung đột Ấn Độ - Pakistan

Việc Ấn Độ ủng hộ chấm dứt đặc quyền tự trị liên bang của hai vùng Jammu và Kashmir, buộc các vùng lãnh thổ liên hiệp chịu sự quản lý trực tiếp từ Delhi hồi tháng 8 vừa qua đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Pakistan. Thực chất, xung đột tại Kashmir đã diễn ra trong vài thập kỷ nay và ngày càng trở nên nóng bỏng. 

Các quan chức Pakistan thậm chí kêu gọi cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấm máy bay Ấn Độ đi vào không phận. Ở phía đối lập, chính quyền Ấn Độ tìm cách đàn áp các cuộc biểu tình bằng hàng ngàn binh lính, cắt kết nối internet, mạng di động và cố định, bắt giữ các chính trị gia Kashmir. Cho đến giờ phút này, đã có một số cuộc đụng độ giữa binh lính hai nước với con số thương vong lên tới hàng chục người.

9. Khủng hoảng kinh tế Argentina

Chứng khoán Argentina đã giảm sâu hơn 37% hồi đầu tuần qua sau khi đương kim Tổng thống Mauricio Macri bị đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ trước đối thủ Alberto Fernandez, gây ra mối quan ngại ông Macri sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tháng 10 tới đây.

Những lần vỡ nợ liên tiếp trong 2 thập kỷ qua vốn đã khiến kinh tế Argentina rơi vào bất ổn, và chính sách thắt lưng buộc bụng mà Tổng thống đương nhiệm Macri đang theo đuổi có thể là con đường sáng suốt, Hồi năm 2018, ông Macri cũng nỗ lực thuyết phục IMF giải ngân 56 tỷ USD trong nỗ lực cứu trợ kinh tế Argentina trên bờ vực khủng hoảng suy thoái. Một khi ông Macri thất cử, một cuộc khủng hoảng và lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khả năng sẽ nhấn chìm Argentina.

10. Những bất ổn thương mại khác

Nhật Bản và Hàn Quốc đang dấn thân vào cuộc xung đột thương mại có nguồn gốc từ sau Thế chiến II và kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ nay. Dù hồi đầu tháng, Nhật Bản đã đồng ý nối lại xuất khẩu một số lô hàng hóa chất trong diện kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhưng nước này vẫn gạch tên Hàn Quốc khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy và loại bỏ hầu hết các ưu đãi thương mại. Một khi căng thẳng Nhật Hàn leo thang, chuỗi cung ứng linh kiện công nghệ toàn cầu rất có thể sẽ lao đao, các đế chế công nghệ như Apple hay Huawei cũng bị ảnh hưởng to lớn.

Trên một mặt trận khác, Mỹ và Ấn Độ cũng đang tiến gần hơn tới chiến tranh thương mại sau khi Ấn Độ hồi tháng 6 quyết định tăng thuế với 1,4 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa mức thuế quan với thép và nhôm mà Mỹ áp đặt, điều khiến ông Trump vô cùng phẫn nộ.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục