Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc lên cao, Apple gặp bất lợi
Wang Zhixin, một “fan hâm mộ” trung thành của iPhone trong suốt gần 1 thập kỷ mới đây đã quyết định chuyển sang dùng sản phẩm smartphone của Huawei như một biểu hiện của tinh thần dân tộc. “Tôi nghĩ tôi cần thể hiện sự ủng hộ của mình với các thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại căng thẳng”. Khi chiếc iPhone 7 của Wang trở nên lỗi thời, anh quyết định “lên đời” bằng chiếc Huawei P30 thay vì chạy theo các dòng iPhone mới nhất của nhà Táo.
Người dùng Trung Quốc lựa chọn Huawei không chỉ bởi tinh thần dân tộc. Đế chế Huawei được biết đến như là gã khổng lồ viễn thông, là công ty sản xuất thiết bị thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung và đứng trên cả Apple. Huawei P30 được nhận xét có chức năng chụp ảnh sắc nét với độ phân giải ngày càng lớn.
Sam Li, một nhân viên công tác trong lĩnh vực viễn thông ở Bắc Kinh, cũng tiết lộ anh vừa chuyển sang dùng Huawei sau một thời gian dài trung thành với Apple. “Tôi cảm thấy bối rối khi cầm trên tay chiếc iPhone trong khi lãnh đạo công ty đều dùng Huawei”. Một lý do thực tế khác cho việc lựa chọn gắn bó với Huawei là mức giá rẻ tương đối so với các dòng smartphone nhà Táo, cùng những chính sách ưu đãi đặc biệt cho người dùng trong nước.
CEO Tim Cook của Apple đã đặt rất nhiều kỳ vọng tại thị trường Trung Quốc đại lục
Anh Wang và anh Sam chỉ là hai ví dụ trong một số lượng lớn người dùng Trung Quốc chuyển từ niềm đam mê iPhone sang tín đồ trung thành của Huawei trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington. Huawei bị chính quyền Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen về thương mại hồi tuần trước với cáo buộc vi phạm lợi ích quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ. Cùng với lệnh hạn chế thương mại từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ trong nỗ lực “triệt hạ” Huawei, bóp nghẹt tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc; chiến tranh lạnh đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ nghĩa dân tộc lên cao tại thị trường Đại lục theo chiều hướng có lợi cho Huawei nhưng lại dồn Apple vào thế bí, khi doanh số nhà Táo liên tục giảm trong thời gian qua. Kiranjeet Kaur, giám đốc nghiên cứu cấp cao của IDC khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định, chính lệnh hạn chế thương mại của Mỹ đã thúc đẩy Huawei dành được thiện cảm ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc.
Năm ngoái, Huawei xuất xưởng 206 triệu chiếc smartphone, chỉ 105 triệu chiếc trong số đó được phân phối tại Trung Quốc đại lục, chiếm 26,4% thị phần nội địa, dữ liệu IDC cho thấy. Cũng trong năm ngoái, thị phần của Apple tại thị trường béo bở này là 9.1%. Nhưng bước sang quý I năm 2019, Apple đã đánh rơi 2% thị phần trong khi thị phần của Huawei tăng tới 3%, theo thống kê của Counterpoint.
Mặc cho nỗ lực giành thị phần tại thị trường lớn bậc nhất thế giới này, Apple vẫn không có đủ lợi thế cạnh tranh khi đứng trước Huawei đang bị chính quyền ông Trump “vây khốn”.
“Thị phần của Apple tại Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục trượt dốc” - Zaker Li, một nhà phân tích cao cấp tại IHS Markit nhận định. “Đặt vấn đề chính trị sang một bên, chiến lược cung cấp và định giá sản phẩm của Apple sẽ là nguyên nhân cốt lõi khiến iPhone mất đi lợi thế cạnh tranh tại Trung Quốc. Nhất là khi chiến tranh thương mại leo thang và tinh thần dân tộc giúp Huawei đứng vững tại đại lục hơn bao giờ hết”, ông nói.