Chứng khoán Mỹ kết thúc tháng 6 thắng lợi, Dow Jones tăng ấn tượng nhất kể từ 1938
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 73,38 điểm lên 26,599.96 sau khi cổ phiếu JP Morgan Chase bứt tốc vượt trội. Như vậy, Dow Jones vừa ghi nhận mức tăng 7%, mức tăng tháng 6 cao nhất kể từ năm 1938.
Chỉ số S & P 500 tiến 0.6% lên 2,941.74 điểm, với sự dẫu đầu thuộc về lĩnh vực tài chính. Cũng trong tháng 6 vừa qua, S & P 500 đã tăng 6,9%, đánh dấu mức tăng tháng 6 ngoạn mục nhất kể từ năm 1955. Chỉ số tổng hợp NASDAQ tiến 0,5% lên 8,006.24 tại phiên giao dịch cuối ngày 28.6; đạt mức tăng tháng 7,4% đầy ấn tượng.
Mức tăng mạnh trong suốt tháng 6 được thúc đẩy bởi kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7, dù rằng kỳ vọng ấy đang mờ dần khi chủ tịch FED Jerome Powell mới đây cho hay nhiều khả năng FED sẽ “chờ xem” các diễn biến thị trường để quyết định liệu nền kinh tế có cần một chính sách tiền tệ kích thích hay không.
Cổ phiếu JP Morgan Chase đã tăng 2,7% trong khi cổ phiếu Citigroup, Bank of America, Goldman Sachs và Wells Fargo đều tăng hơn 2% tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 0,7%. Nhóm ngân hàng này đã vượt qua phiên kiểm tra stress-test (sức chịu đựng rủi ro tín dụng) thường niên của FED và được chấp thuận gia tăng cổ tức cũng như mua lại cổ phần.
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 nhiều khả năng sẽ mang đến những biến động lớn
Trừ lĩnh vực cổ phiếu ngân hàng bứt tốc, các lĩnh vực khác vẫn thận trọng theo dõi diễn biến cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. James Masserio, chuyên gia chứng khoán phái sinh thuộc Hiệp hội Genere khẳng định: “Thị trường đang chuẩn bị cho những biến động lớn theo chiều hướng chưa thể đoán định”.
Cuộc gặp gỡ giữa những nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ tăng thuế lên 25% với số hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy chiến tranh thương mại lên cao trào. Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng đáp trả thuế quan và tạm ngừng nhập khẩu đậu tương khiến nông dân Mỹ lao đao.
Cả Mỹ và Trung Quốc đã mang đến G20 một lập trường thương mại cứng rắn. Trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ lệnh hạn chế Huawei, Mỹ lại nhấn mạnh mối đe dọa trừng phạt thuế quan nếu đàm phán thất bại. Không chắc chắn liệu có sự nhượng bộ nào trong cuộc gặp gỡ kéo dài 90 phút dự kiến diễn ra sáng 29.6 giữa hai bên hay không, nhưng nguy cơ suy thoái kinh tế nếu chiến tranh thương mại kéo dài đã hiện ra rất rõ ràng.
Trao đổi với CNBC hôm 27.6, Giám đốc điều hành của Morgan Stanley, ông James Gorman, cho hay: “Trung Quốc và Mỹ phải đi đến một thỏa thuận tích cực trong tranh chấp thương mại nếu không muốn hủy hoại nền kinh tế toàn cầu.”