Chuyển đổi condotel thành chung cư: Sẽ băm nát quy hoạch!
Ngày 29/11, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng ra thông cáo báo chí về tình hình đầu tư condotel trên địa bàn. Theo đó, trong hai năm 2016 và 2017, sở đã cấp phép xây dựng 6 dự án căn hộ khách sạn với tổng cộng 7.590 condotel.
Riêng dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp Cocobay Đà Nẵng thuộc quận Ngũ Hành Sơn, từ ngày 1/2, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong đó có việc chuyển đổi 1.969 condotel thành chung cư.
Bình luận về quyết định này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói: "UBND tỉnh có thẩm quyền chuyển đổi mô hình, hình thức kinh doanh của dự án. Nhưng hiện Đà Nẵng đang có rất nhiều dự án condotel vì thế không phải dự án nào cũng cho phép chuyển đổi qua chung cư", ông Tú nói.
Ông Tú cho biết, cách đây không lâu Bộ Xây dựng cũng đã lấy ý kiến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật chung quốc gia về nhà chung cư, trong đó có đưa ra đề xuất thừa nhận condotel thành căn hộ chung cư. "Tôi thấy rất bất ngờ, không hiểu căn cứ vào đâu mà Bộ Xây dựng lại hướng dẫn về quy chuẩn căn hộ khi đưa Officetel và Condotel vào chung văn bản hướng dẫn về nhà chung cư", ông Tú nói.
Theo vị luật sư này, để duy trì dự án tiếp tục mang hình thức condotel là hoàn toàn không thể. Bởi condotel là dự án về du lịch lưu trú, tại thời điểm thực hiện dự án thì đất sử dụng trong trường hợp này chắc chắn là phải đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ và đã được nhà nước quy hoạch (trước đó) phù hợp với kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương, nhưng nay lại được chuyển đổi thành đất ở.
Nên việc chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư và tiến hành thu 100% thuế đất sẽ trở về đúng bản chất của dự án, tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Phương án này cũng được chính luật sư Trương Anh Tú đưa ra từ nhiều năm trước.
Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, chính vị luật sư này cũng có nhiều băn khoăn. Bởi nếu các cơ quan chức năng không cân nhắc kỹ lưỡng thì việc chuyển đổi condotel sang căn hộ chung cư có thể sẽ phá vỡ quy hoạch ở địa phương, gây áp lực lên hạ tầng.
"Việc điều chỉnh tràn lan sẽ làm bóp méo quy hoạch. Đây là một tai họa về quy hoạch. Nếu tất cả cùng đề nghị chuyển đổi sang nhà chung cư sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch đô thị. Làm xáo trộn mật độ cư trú và quy hoạch dân cư trên địa bàn. Đà Nẵng làm được, các tỉnh thành khác cũng làm được thì rối loạn hết.
Làm gì có chuyện cứ xây xong rồi, thấy sai mới điều chỉnh. Không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch, việc này cũng làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch ở địa phương. Nó sẽ làm thu hẹp đáng kể nguồn lực đất đai phục vụ du lịch, chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ bị ảnh hưởng", ông Tú nói.
Cũng theo luật sư, một chi tiết hết sức vô lý là nếu khi chuyển một phần dự án Cocobay Đà Nẵng sang đất ở nhà ở thì người mua nhà lại phải chịu thêm phí tổn 15% giá trị mua bán. Nếu vậy, người "mua" bất động sản một lần nữa lại phải bỏ tiền ra để mua bất động sản của chính mình.
"Nếu phải chuyển đổi, theo tôi, thành phố phải rà soát tính toán, chỉ cho phép chuyển đổi từ condotel sang chung cư đối với các dự án vùng ven, xa trung tâm. Còn đối với các dự án ở khu vực trung tâm thì tuyệt đối không cho phép. Khi điều chỉnh quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát nghiêm ngặt để đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một khu đô thị", ông Tú bày tỏ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2015 đến tháng 3/2019, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort); tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel). Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến tháng 3/2019, đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung ở Hà Nội, TPHCM và Ðà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.