Chuyên gia 9X Google và hành trình bỏ Phần Lan về Việt Nam lập nghiệp
Hiện trên thế giới, ở tất cả các lĩnh vực, chỉ có 825 GDE được công nhận bởi Google. Trong số này, Việt Nam có 4 người và Trần Nguyễn Trường Sinh là chuyên gia người Việt duy nhất ở mảng Flutter.
Trần Nguyễn Trường Sinh cũng là 1 trong 200 thanh niên tiêu biểu đại diện cho các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tham dự Hội nghị thanh niên 2011 bàn về 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ
Là chuyên gia trong lĩnh vực lập trình, sau 10 năm học tập và làm việc tại Phần Lan, Trần Nguyễn Trường Sinh đã trở về Việt Nam và đảm nhận vai trò Giám đốc Kỹ thuật Việt Nam của một công ty dịch vụ phần mềm có trụ sở ở bang Minnesota (Mỹ), nơi chuyên cung cấp nền tảng công nghệ nhằm giám sát và kiểm định chất lượng sản phẩm được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo.
Danh hiệu GDE của Google có ý nghĩa thế nào với bạn?
Flutter là một bộ công cụ để xây dựng ứng dụng (app) trên iOS, Android, Windows, Mac, Web, thậm chí là ở các máy bán hàng tự động (embedded system).
Với Flutter, lập trình viên chỉ cần xây dựng app một lần là đã có thể sử dụng được trên nhiều nền tảng khác nhau. Việc sử dụng một bộ công cụ để phát triển ứng dụng trên đa nền tảng sẽ làm giảm đáng kể chi phí phát triển.
Trước đây có những bộ công cụ giúp lập trình viên nhanh chóng xây dựng ứng dụng chạy trên nhiều nền tảng cùng lúc, nhưng sản phẩm đầu ra chất lượng không như mong muốn, giao diện không bắt mắt, hay gặp lỗi.
Vì những kinh nghiệm đau thương như vậy, các nhà quản lý dự án hầu như không muốn sử dụng những bộ công cụ này và chấp nhận chi phí 4-5 lần để xây dựng ứng dụng theo cách truyền thống.
Với việc chúng ta đã có một Flutter GDE ở Việt Nam, các nhà quản lý dự án sẽ không còn ngần ngại về độ chín (maturity) của bộ công cụ này, hoặc những vấn đề nhân lực, kỹ năng.
Một khi các nhà quản lý dự án không còn ngần ngại, họ sẽ chấp nhận đội phát triển sử dụng những công nghệ tốt nhất để tiết kiệm chi phí mà vẫn cho ra đời sản phẩm có chất lượng cao.
Đối với Trần Nguyễn Trường Sinh, đây chỉ là khởi đầu. Quan điểm cá nhân của Sinh là xu hướng sau này sẽ là on-device machine learning (học máy ngay trên thiết bị), đặc biệt là federated learning trên các thiết bị mobile, wearable, IoT (federated learning là phương pháp cải tiến AI mới của Google. Thay vì phân tích dữ liệu một cách cục bộ, quy trình thu thập dữ liệu và phát triển các thuật toán mới được tiến hành ngay trên các thiết bị - PV).
Flutter giúp Sinh tiếp cận được các thiết bị này, nhưng Sinh đang tiếp tục theo đuổi và nghiên cứu on-device machine learning.
Con đường nào đã dẫn Sinh đến với danh hiệu GDE trong mảng Flutter?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Hồi đầu năm 2019, mình bắt đầu nghe về Flutter từ một anh thiết kế phần mềm và cảm thấy thú vị. Thường những bộ công cụ này lập trình viên phải biết nhiều hơn, thế nhưng Flutter thì lại khá có tiếng trong cộng đồng thiết kế. Thế là mình bắt đầu tìm hiểu
Và vì quá thích thú, mình bắt đầu đi dự các buổi gặp mặt cộng đồng, làm các prototype demo (bản thử nghiệm) để chia sẻ, rồi sau đó được mời sang Kuala Lumpur (Malaysia) làm diễn giả. Ở Kuala Lumpur, mình gặp được rất nhiều GDE từ Malaysia và Singapore, và họ cũng khuyến khích mình trở thành GDE.
Có vẻ Sinh là một người rất hứng thú với học thuật. Kết quả như hôm nay phải chăng là thành quả của những ngày “điên cuồng” đèn sách thời sinh viên?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Hồi cấp 2, cấp 3 Sinh toàn hoạt động Đoàn Đội, vậy nên không thể nói bản thân mình “hứng thú với học thuật", ít nhất là theo định nghĩa giáo dục ở Việt Nam.
Nhưng nếu nói rộng ra một chút thì đúng là bản thân mình có tính tò mò. Mình muốn biết mọi thứ hoạt động như thế nào để rồi làm sao có thể bắt chước xây dựng lại nó như vậy.
Khoảng hồi lớp 6, lúc đó mình đã xin tiền mẹ mua bộ công cụ lập trình Visual Basic 6 để làm những thứ đơn giản. Một trong số đó là viết lại tựa game Tetrix (xếp hình). Đến khoảng lớp 8, mình làm chung với bạn cái forum cho trường. Lên cấp 3 thì mình có làm cái forum cho CLB của Quận.
Khi sang Phần Lan học đại học, mình cũng tích cực tìm việc làm thêm nhưng lại không tìm được công việc nào phù hợp với ngành học. Do vậy, mình quyết định đổi chiến lược học cho nhanh để ra kiếm tiền theo đúng ngành học của mình.
Lý do nào đã thôi thúc bạn trở về?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Một trong những lý do thúc giục mình trở về là vì tháng 1 năm đó (2018), Việt Nam giành ngôi Á Quân bóng đá nam U23 Châu Á (cười). Lúc đó bản thân mình có nhiều cảm xúc lắm.
Thật ra khi đó Sinh đang là HoT/CTO (Giám đốc Công nghệ) ở Smarp (Phần Lan). Ở Smarp, hơn phân nửa đội tech là người Việt Nam rồi. Nhóm này gồm tập hợp những người sang Phần Lan học, hoặc do Smarp tuyển trực tiếp từ Việt Nam.
Ở thời điểm Việt Nam dự vòng chung kết U23 Châu Á, đợt đó mọi người bên này đều chủ động sắp xếp lại thời giờ làm việc của mình để có thể theo dõi tất cả các trận đấu của tuyển Việt Nam. Bên Phần Lan văn phòng cách âm rất tốt nhưng lúc xem đội đá vẫn phải kìm nén cảm xúc, đặc biệt là những phút luân lưu. Không thể phủ nhận rằng thứ cảm xúc từ những giờ phút ấy đã thôi thúc mình trở về.
Nguyên nhân thứ 2 là trong quá trình làm ở Phần Lan, mình thấy được những điều mà các bạn lập trình viên ở Việt Nam có và thiếu. Khi đó mình nghĩ rằng, nếu làm việc ở môi trường Việt Nam, mình có thể dễ dàng giúp các bạn hơn.
Trọng Đạt (vietnamnet)