Chuyên gia kinh tế: Nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần các gói kích thích
Các chuyên gia cũng cảnh báo sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc là "chưa vững chắc" và tăng trưởng có thể chùn bước một lần nữa.
Theo công bố tuần trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,4% trong quý 1/2019 so với cùng kỳ năm 2018 vượt xa các dự đoán của các nhà phân tích. Một loạt các chính sách, bao gồm khuyến khích các ngân hàng thực hiện nhiều khoản vay hơn được đưa ra vào năm ngoái khi nền kinh tế bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại được ghi nhận là động lực qua trọng của thực tế này.
Tuy nhiên theo tin từ Tân Hoa Xã, một tuyên bố của Bộ chính trị Trung Quốc đưa ra hôm thứ Hai đã nhấn mạnh sự khởi đầu mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm nhưng cũng bày tỏ mối quan ngại về thị trường tài chính và bất động sản. Những lĩnh vực này nên được theo dõi chặt chẽ cho những rủi ro có thể xảy ra do tăng trưởng quá nóng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã quay đầu giảm do lo ngại kích thích kinh tế có thể được cắt giảm.
Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết: "Sự thay đổi nhỏ trong giọng điệu là điều dễ hiểu do sự gia tăng nợ nhanh chóng và sự gia tăng bất hợp lý tiềm tàng trong thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản của các thành phố lớn". Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc là "chưa vững chắc" và tăng trưởng có thể chùn bước một lần nữa.
"Chúng tôi tin rằng tốc độ nới lỏng tiền tệ sẽ chậm lại, nhưng vẫn còn quá sớm để rút các biện pháp nới lỏng tiền tệ mặc dù phạm vi chính sách tiền tệ hạn chế", các chuyên gia này nhận định.
Robin Xing, Kinh tế trưởng bộ phận Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho biết sự nhấn mạnh bây giờ sẽ là các biện pháp phi tiền tệ. "Họ đã không đề cập đến việc họ sẽ chấm dứt chính sách nới lỏng", chuyê gia này nhận xét. "Họ đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc nới lỏng tài khóa". Chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley muốn đề cập đến gói 2 nghìn tỷ nhân dân tệ được công bố vào tháng trước, bao gồm cắt giảm thuế và phí.
"Trung Quốc đã bị mắc kẹt, họ sẽ không quay lại với điều đó, không có khả năng thu nhỏ lại gói tài chính". Đại diện Morgan Stanley vẫn "tự tin rằng sự pha trộn chính sách tổng thể vẫn còn khả năng hỗ trợ".
Trung Quốc hiện đang đối mặt với mức nợ khổng lồ khiến các nhà chức trách phải cố gắng kiểm soát trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào năm ngoái. Đây là mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Các nhà kinh tế học Larry Hu và Irene Wu tại Macquarie Capital cho rằng rằng Trung Quốc sẽ phải bước đi cẩn thận vì họ sẽ cần giữ một số kích thích dự trữ trong trường hợp nền kinh tế xấu đi.
"Có thể hiểu rằng các nhà hoạch định chính sách phải giảm cường độ kích thích một khi nền kinh tế có dấu hiệu ổn định, vì dư địa chính sách bị hạn chế. Theo quan điểm của chúng tôi, sự kích thích sẽ trở nên suy yếu dần vì các nhà hoạch định chính sách phải “tiết kiệm đạn dược” cho nguy cơ giảm tốc tiếp theo", các chuyên gia này nhận định.