Clip: Nuôi loài cá "gặm cỏ" bán Tết, trai Thái thu tiền tươi

18/01/2020 09:48 GMT+7
Nhờ xuất bán hàng tấn cá trắm cỏ vào dịp cuối năm, anh Đèo Văn Trọng, sinh năm 1987, bản Sẳng Sang (xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) có thu nhập 70 triệu đồng vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nở nụ cười tươi rói tiếp đón chúng tôi là một chàng thanh niên năng động người dân tộc Thái. Anh tên là Đèo Văn Trọng. Anh Trọng phong trần, nước da rám nắng, đôi bàn tay rắn chắc như cây nghiến do một thời dãi nắng dầm mưa với nương rẫy.

 
Clip: Nuôi loài cá "gặm cỏ" bán Tết, trai Thái thu tiền tươi - Ảnh 2.

Anh Trọng cho biết: Ngoài những con cá nặng từ 3 - 4 kg, hiện trong ao này có 2 con trắm nặng gần 10 kg. Năm nào, thương lái cũng đến nhà tỉ tê muốn mua nhưng tôi nhất quyết không bán. Anh vừa xuất bán một đợt cá trắm to, số cá trắm còn lại anh để nuôi tiếp để bán sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Anh kể: Nhà tôi trước đây làm ngô, sắn, vất vả lắm. Tôi cũng muốn tìm cây trồng, vật nuôi khác để có cuộc sống khá giả nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu".

 
Clip: Nuôi loài cá "gặm cỏ" bán Tết, trai Thái thu tiền tươi - Ảnh 3.

Ao cá được cung cấp nguồn nước mó sạch nên đàn cá nhà anh Trọng phát triển rất tốt.

Sau nhiều đêm trăn trở, anh Trọng nhận thấy, vùng đất của gia đình tương đối bằng phẳng, nguồn nước dồi dào nên quyết định đào 2 ao rộng khoảng 6.000m2 thả cá trắm cỏ.

"Cá trắm cỏ rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn cây cỏ cung cấp thức ăn cho cá gia đình có thừa" - anh Trọng giải thích lý do chọn nuôi cá trắm.

 
Clip: Nuôi loài cá "gặm cỏ" bán Tết, trai Thái thu tiền tươi - Ảnh 4.

Theo anh Trọng, nuôi cá trắm cỏ nhàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

Ban đầu chưa có vốn mua con giống, anh Trọng chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho gia đình là chính. Năm 2015, tích cóp được chút vốn liếng, anh Trọng nhập hàng vạn con cá trắm về nuôi. Bên cạnh nuôi cá trắm, anh Trọng mua thêm cá chép, rô phi đơn tính, cá mè, cá trôi.

Với kinh nghiệm nuôi cá trắm cỏ nhiều năm, theo anh Trọng, khâu quan trọng nhất là phải chọn được cá giống có chất lượng tốt. Cá phải kích cỡ đồng đều, không bị xây xát, không dị tật, nhanh nhẹn... Không nên mua giống cá có đốm đỏ, đốm trắng, vây bị trầy xước.

 
Clip: Nuôi loài cá "gặm cỏ" bán Tết, trai Thái thu tiền tươi - Ảnh 5.

Để nuôi cá trắm, anh Trọng dùng các loại cỏ, như: lá chuối, bèo, lá ngô, lá sắn...

Trước khi thả cá trắm vào ao, cần ngâm bao cá trong lồng khoảng 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi từ từ cho cá bơi ra. "Cá trắm cỏ giống mới mua tôi thả vào ao trên; cá trắm cỏ nuôi nịt thương phẩm thả ao dưới. Cuối năm, khi nào xuất bán hết cá trắm thịt thương phẩm ở ao dưới, tôi tháo cạn nước trong ao, phát cỏ, vét bùn và bón vôi khắp đáy để diệt mầm bệnh. Sau đó, mua giống mới nuôi gối tiếp vụ sau" - anh Trọng cho biết.

 
Clip: Nuôi loài cá "gặm cỏ" bán Tết, trai Thái thu tiền tươi - Ảnh 6.

Ao cá của anh Trọng sâu từ 1,5 - 2 mét nên muốn bắt được cá bán cho khách phải dùng chài để quăng.

Anh Trọng cho biết: "Cá trắm cỏ của tôi chỉ cho ăn cỏ, nói không với cám nên được khách hàng ưa chuộng. Vào dịp cuối năm, tôi tháo ao xuất bán cả tấn cá bán cho các nhà hàng ở thành phố và thương lái. Tôi bán cá trắm cỏ  với giá bán 100.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền giống, tôi lãi 70 triệu đồng/năm"

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Lò Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Muổi Nọi, cho biết: Anh Trọng là thanh niên không ngại khó, ngại khổ vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cần cù, chịu khó lao động sản xuất, anh Trọng không những làm được nhà cửa khang trang mà còn mua được cả ô tô tải thu mua nông sản cho người dân trong xã.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục