Có nên đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá?

19/03/2020 06:00 GMT+7
Theo TS. Đào Thế Anh, thay vì tính đến việc bình ổn giá các Bộ nên hỗ trợ cho nông dân những điều kiện cụ thể để họ có thể tái đàn, tăng nguồn cung, từ đó giá lợn sẽ được giảm xuống.

Trước thực trạng giá lợn hơi vẫn neo cao, Thủ tướng cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhiều lần kêu gọi giảm giá nhưng giá heo chỉ giảm nhỏ giọt. Mới đây, đại diện liên các bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thống kê đều nhất trí quan điểm cần thiết phải đề xuất đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá.

Trao đổi với Etime về vấn đề này, TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc bình ổn giá chỉ dành cho những thực phẩm không thể thay thế, ví dụ như lúa gạo. Lý do là bởi người dân không thể chuyển sang ăn ngô, ăn sắn để thay thế gạo. Trường hợp không có thịt lợn thì có thể chuyển qua ăn thịt gà, ăn rau hoặc những thực phẩm thay thế khác… Theo đó, việc đưa thịt heo vào diện bình ổn giá là chưa cần thiết.

"Tôi từng lo ngại dịp Tết Nguyên đán vừa qua sẽ thiếu thịt lợn nghiêm trọng nhưng cuối cùng cũng không thiếu. Về  mặt tích cực, việc giá thịt lợn cao, người dân hạn chế sử dụng loại thịt này lại có thể đẩy mạnh tiêu thụ cho những thực phẩm khác như rau xanh, thịt gà, hải sản…", ông Thế Anh nói.

Vị Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng nhận định, việc bình ổn giá thịt lợn rất khó. Bộ Công thương chỉ tác động được một số doanh nghiệp lớn như CP, Massan… Trường hợp 1,2 ông lớn chấp nhận giảm lãi, giảm giá thịt lợn xuống thì những doanh nghiệp lớn này cũng chưa hoàn toàn tác động được giá thị trường, do những doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình khó có thể nghe theo cũng như không có công cụ nào để điều tiết được thị trường.

"Chưa cần thiết đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá" - Ảnh 1.

Chưa cần thiết đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá. Ảnh: Trọng Linh/Nông nghiệp

Theo TS. Đào Thế Anh, thay vì tính đến việc bình ổn giá thì các Bộ nên hỗ trợ cho nông dân những điều kiện cụ thể để người dân có thể tái đàn, tăng nguồn cung thì giá lợn sẽ được giảm xuống.

"Cơn bão dịch tả lợn châu Phi đã đi qua, một loạt doanh nghiệp cụt vốn, trong khi đó, đầu tư cho chăn nuôi đòi hỏi nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại những doanh nghiệp này khó tiếp cận với nguồn tiền tín dụng, chưa cơ cấu lại đàn dẫn đến việc nguồn cung thiếu, vì thế giá lợn nằm ở mức khá cáo chứ năng lực sản xuất của mình không hề thiếu", ông Thế Anh cho hay.

TS. Đào Thế Anh cho rằng, hiện tại nhiều địa phương đang khó khăn trong việc tái đàn. Thứ nhất về tư tưởng hộ chăn nuôi vẫn còn nghi rủi ro, không biết là tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa? Liệu tái đàn có an toàn trong thời điểm này? Thứ hai, người dân và doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang làm tê liệt nền kinh tế.

Dịch tả lợn châu Phi lần này cũng cho chúng ta cũng nhận thấy được nhiều vấn đề, đặc biệt những trang trại nào đầu tư công nghệ cao, vệ sinh dịch tễ tốt thì ít bị ảnh hưởng của dịch. Còn những doanh nghiệp nhỏ lẻ thì bị ảnh hưởng nhiều hơn.

"Để làm tốt công tác tái đàn sau dịch, các Bộ ngành liên quan cần chú ý đến việc định hướng cho doanh nghiệp chăn nuôi sinh thái; nuôi thả vườn, thả rông sẽ ít bị tác động của dịch. Nhưng nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh nuôi công nghiệp nhưng đầu tư không tốt, hiện đại hóa nửa chừng thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi dịch bùng phát". TS. Đào Thế Anh nói.

Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT với đại diện Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) ngày 16/3 về vấn đề liên quan tới tình hình giá thịt lợn và tình hình cung cầu mặt hàng thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương) cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới vấn đề giá thịt lợn và nguồn cung thịt lợn trên thị trường, thời gian qua, đơn vị này phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT, tiến hành làm việc, kiểm tra tình hình cung ứng cũng như một số vấn đề liên quan tới giá lợn.

Cụ thể: Chi phí sản xuất (giá thành) lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nay mức cao nhất vào khoảng 44 – 45 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, nếu tính giá lợn hơi xuất chuồng thấp nhất vào khoảng 72-73 nghìn đồng/kg, thì mỗi con lợn hơi xuất chuồng (trọng lượng bình quân 100kg/con), các doanh nghiệp thu lãi tối thiểu bình quân từ 2,7-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận cao.

Liên quan tới giải pháp nhằm điều chỉnh giá thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng theo các quy định hiện hành, chưa có chế tài để yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán thịt lợn, bởi thịt lợn hiện chưa có mặt trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012.

Vì vậy thời gian tới, để có cơ chế chủ động điều chỉnh được giá thịt lợn, thì cần thiết phải đưa mặt hàng này vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012.

Ông Tuấn dẫn chứng thời gian qua, giá cả mặt hàng thịt lợn rất thiếu ổn định, lúc thì phải “giải cứu”, lúc lại tăng quá cao. Đây lại là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của đời sống, chiếm tới khoảng 60 - 70% trong tiêu dùng thịt của người dân.

Vì vậy rất cần thiết phải có kiến nghị đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá để có chế điều chỉnh giá, ổn định thị trường bền vững...


Quang Dân
Cùng chuyên mục