Condotel chắc chắn có sổ đỏ, nhưng phải chờ...
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ xây dựng.
Theo ông Khởi, thời gian vừa qua, có rất nhiều tranh luận trái chiều liên quan đến vấn đề pháp lý của loại hình condotel, dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn cho khách hàng là các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong đó, các câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là tại sao căn hộ chung cư để ở cũng được kinh doanh được cấp sổ đỏ sử dụng dài hạn mà các căn hộ khách sạn lại không được cấp sổ đỏ dài hạn.
Để trả lời vấn đề này, cần phải làm rõ, chúng ta hiện nay đang nhầm lẫn giữa các khái niệm pháp lý. Về mặt kinh doanh, condotel hay nhà ở đều được kinh doanh vì nó thuộc quy định của luật kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, vấn đề hiện nay là sự khác biệt về quy chuẩn giữa các loại hình.
Trên thực tế, kể cả nhà ở, condotel hay các công trình xây dựng khác như văn phòng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật kinh doanh bất động sản và cùng xếp vào một loại hàng hóa kinh doanh mua bán bình thường, không ai cấm cả, giao dịch bình thường.
Điều khác biệt ở đây có thể là câu chuyện quy chuẩn để ở của chung cư và quy chuẩn để ở của condotel nó khác nhau.
Theo đó, khái niệm "ở" của condotel được hiểu là hình thức lưu trú và khác hẳn so với "ở" của căn hộ chung cư. Trong khi đó, đã là "ở" với chung cư, nó phải gắn với trường học, bệnh viện, hạ tầng, với cảnh quan.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, chung cư thì quy chuẩn hệ thống báo cháy, hệ thống đường điện, hệ thống đường nước là khác so với condotel, cho nên không thể đưa condotel vào loại hình để ở.
"Anh ở một cái nhà chung cư, anh ở một đêm với 10.000 người cùng trong tòa nhà đó, nhưng nó khác hẳn với việc lưu trú trong một khách sạn với người ra người vào liên tục. Bản chất hai hình thức khác nhau, nên tại sao trong Luật Nhà ở 2014 quy định nghiêm cấm sử dụng chung cư vào các mục đích không phải để ở" ông Khởi nhấn mạnh.
Ông Khởi cũng cho biết, theo quy định của Pháp luật Du lịch, không dùng condotel, officetel, hometel…, mà được gọi chung là các cơ sở lưu trú du lịch. Cụ thể, tại điều 48 Luật Du lịch đã liệt kê có 10 cơ sở lưu trú, trong đó, condotel được gọi là căn hộ du lịch.
Dựa trên những phân tích đó, ông Khởi cho rằng, cơ sở pháp lý đối với cách hiểu về condotel là rất rõ ràng, còn lại hiện nay vấn đề thiếu nằm ở việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sửa đổi Luật Đất đại để thống nhất việc cấp sổ đỏ 40 năm, 50 năm, hay 70 năm, cách thức cấp sổ, quy định với sổ như thế nào, thuế…
"Những vấn đề trên sẽ phải chờ vì sửa Luật Đất đai phải theo lịch trình của họp của Quốc hội mới thông qua được. Còn vấn đề chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 10% hay 15% là do chúng ta tính toán, chúng ta đầu tư", ông Khởi nói.