Đặc sản được cấp chỉ dẫn địa lý: Làm sao để phát triển xứng tầm?

11/06/2020 07:03 GMT+7
Đồng Nai có 2 đặc sản được cấp chỉ dẫn địa lý là chôm chôm Long Khánh và bưởi Tân Triều. Mục tiêu của việc cấp chỉ dẫn địa lý là nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho nông sản cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Đặc sản được cấp chỉ dẫn địa lý: Làm sao để phát triển xứng tầm? - Ảnh 1.

Thu hoạch chôm chôm java tại nhà vườn ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Trong thời kỳ hội nhập, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đã ngày càng trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng để nông sản vươn xa hơn trên thị trường thế giới. Tuy nhiên trong thực tế, nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý của Đồng Nai đang có nguy cơ dần mai một.

Lo đặc sản dần mai một

Chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý gồm có chôm chôm tróc (java) và chôm chôm nhãn. Đây cũng là 2 giống trái cây đặc sản đã có tiếng thơm lâu đời nhờ chất lượng ngon.

Điều đáng tiếc là 2 giống đặc sản nổi tiếng này không tránh khỏi “số phận” đang mất dần “chỗ đứng”. Vì vài năm trở lại đây, nông dân của Đồng Nai lại "đua nhau" chặt bỏ chôm chôm java và chôm chôm nhãn để chuyển sang trồng chôm chôm giống Thái vì cho lợi nhuận tốt hơn.

Trước đây, gần 2ha đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân trồng chôm chôm tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) chỉ trồng thuần giống chôm chôm java và chôm chôm nhãn. Nhưng ông Hùng dần chặt bỏ 2 giống chôm chôm bản địa này để chuyển sang trồng chôm chôm giống Thái. Ông Hùng chỉ ra lý do: “Chôm chôm Thái cho lợi nhuận cao hơn vì thường bán được với giá cao, rủi ro rớt giá cũng thấp hơn vì xuất khẩu tốt sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trồng chôm chôm đã chặt giống bản địa chuyển sang trồng chôm chôm Thái”.

Một nghịch lý là giống chôm chôm java từng có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Pháp và các thị trường khó tính khác nhưng lại mất cơ hội vì không đáp ứng được về vùng nguyên liệu. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) ngậm ngùi chia sẻ: “Trái chôm chôm java từng được xuất khẩu đi Pháp sau khi được kiểm tra chặt chẽ từ mẫu đất, nước, hàm lượng dinh dưỡng... đều đạt chuẩn. Họ cũng đặt bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp với sản lượng lớn, nhưng HTX không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm này”.

Cũng theo ông Phùng Thanh Tâm, giống chôm chôm Java có nhiều lợi thế cạnh tranh đang bị nông dân bỏ qua như: năng suất cao, chín rộ một lần nên khâu thu hoạch dễ dàng và ít tốn công lao động hơn. Diện tích chôm chôm Java ngày càng giảm vì nông dân mới nhìn được cái lợi trước mắt khi chuyển đổi cây trồng chứ chưa nhìn xa đến cán cân cung - cầu. Đầu ra của chôm chôm java rất lớn vì được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và có thể đưa vào chế biến.

Thời gian qua, nhiều vùng đặc sản của Đồng Nai dần mai một, trong đó có đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều (H.Vĩnh Cửu), một trong số ít sản phẩm của Đồng Nai được cấp chỉ dẫn địa lý. Tình trạng này cũng đã xảy ra với những vùng trái cây đặc sản của Đồng Nai. Việc nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt ép bưởi ra trái sớm, cho năng suất cao, điều chỉnh thời điểm thu hoạch để đón thị trường ngày càng phổ biến khiến nhiều vườn bưởi xuất hiện tình trạng cây trồng bị suy kiệt, có cây chết yểu.

Khôi phục lại tiếng thơm bằng chất lượng

Theo các chuyên gia, chỉ dẫn địa lý giúp bảo vệ nhà sản xuất chống lại nạn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng không để bị đánh lừa. Nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý hỗ trợ việc xúc tiến thương mại và là một "hộ chiếu" cho xuất khẩu, bởi lẽ nó là cơ sở bảo đảm uy tín, nguồn gốc sản phẩm và uy tín chất lượng được khẳng định bằng chính tên gọi của vùng lãnh thổ đã được công nhận.

Chưa bao giờ trái cây Việt Nam đứng trước cơ hội về thị trường xuất khẩu tốt như hiện nay. Và để phát triển bền vững các vùng trái cây đặc sản có thương hiệu về uy tín chất lượng trên thị trường thế giới, phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức và khâu sản xuất của nông dân.

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi VietGAP tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: Vườn bưởi đường lá cam của gia đình ông đã hơn 20 năm. Có giai đoạn bưởi da xanh lên ngôi, nhiều nhà vườn ở vùng này chặt bưởi đường lá cam chuyển sang giống mới nhưng ông vẫn giữ vườn bưởi giống gốc của địa phương này. “Nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay chỉ chất lượng trái ngon chưa đủ. Vườn bưởi tôi trồng theo hướng hữu cơ, để cây bưởi phát triển theo mùa vụ tự nhiên để sản phẩm đạt chuẩn an toàn” - ông Sơn nói.

Ông Huỳnh Đức Huệ, chủ Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) nhận xét, để đặc sản địa phương vươn xa, sản phẩm ngon, chất lượng an toàn chưa đủ mà phải đầu tư bài bản làm bao bì đẹp, có nhãn hàng, logo nhận diện thương hiệu sản phẩm. “Từ nhiều năm trước, tôi đã đầu tư nhãn, logo riêng cho Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ và cho in vào danh thiếp để đi đâu cũng giới thiệu đến du khách gần, xa. Nhưng điều quan trọng nhất để tiếng thơm Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ lan xa, được khách hàng biết tiếng là nhờ sự chăm chút từ chất lượng từng sản phẩm đến dịch vụ chăm sóc khách chu đáo” - ông Huệ nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Thủy, nông dân nổi tiếng có vườn chôm chôm nhãn ngon tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) có tiếng mát tay trong việc xử lý để vườn chôm chôm cho trái nghịch vụ. Nhưng rồi ông chọn để giống cây đặc sản này phát triển thuận theo tự nhiên vì cây, trái đúng mùa thì mới cho mẫu mã và chất lượng ngon nhất. Ông cũng sẵn sàng thuê nhân công cắt cỏ vì không muốn sử dụng thuốc diệt cỏ làm hại cho cây, chủ yếu bón phân chuồng để giữ sức cây bền. Ông Thủy chăm chút, nâng niu vườn cây của mình từng chút vì quan niệm của lão nông này là phải làm ra trái cây ngon, an toàn để thương lái phải quay lại giữ mối, săn đón đặt hàng của nông dân.


Theo Bình Nguyên/Đồng Nai
Cùng chuyên mục