Đại gia ngân hàng Goldman Sachs thất vọng về nội dung thỏa thuận Mỹ Trung

14/12/2019 10:47 GMT+7
Ngay trước hạn chót thuế quan 15/12, thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 cuối cùng đã được các quan chức thương mại hai nước thông qua. Nhưng đại gia ngân hàng Mỹ Goldman Sachs lại bày tỏ sự thất vọng với một thỏa thuận như vậy.
Đại gia ngân hàng Goldman Sachs thất vọng về nội dung thỏa thuận Mỹ Trung - Ảnh 1.

Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 cuối cùng đã được thông qua ngay trước hạn chót thuế quan 15/12

Theo tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mức thuế có hiệu lực hồi tháng 6, ngay sau khi đàm phán Mỹ Trung tháng 5 đổ bể. Nhà Trắng chỉ giảm thuế từ 15% xuống 7,5% với số hàng hóa trị giá 120 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực hôm 1/9 vừa qua. Ngay sau thông tin này, các chuyên gia phân tích từ Goldman Sachs đã bày tỏ sự thất vọng với một mức cắt giảm thuế quan khá nhỏ hẹp so với những gì họ trông đợi.

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius từ Goldman Sachs nhận định: “Mức giảm thuế chỉ bằng khoảng một nửa so với kỳ vọng của chúng tôi. Vẫn còn những nghi ngờ xoay quanh thỏa thuận, vì nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn xoay quanh các vấn đề pháp lý vẫn tồn tại”. Nhìn chung, các nhà phân tích khuyên thị trường không nên quá lạc quan cho tới khi Mỹ và Trung Quốc chính thức ký vào một thỏa thuận như đã hứa hẹn.

Đại diện văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiết lộ hai phái đoàn thương mại kỳ vọng sẽ ký kết thỏa thuận trong tuần đầu tiên của tháng 1/2019 tại Washington. Tuy nhiên, ông Robert cũng cảnh báo rằng chính quyền Trump không đảm bảo việc tiếp tục dỡ bỏ thuế quan trong tương lai, và điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của Bắc Kinh trong việc đưa ra những thỏa thuận có lợi cho Mỹ.

Cũng theo ông Robert Lighthizer, thỏa thuận giai đoạn 1 đề cập đến một số xung đột cốt lõi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, nhập khẩu nông sản, dịch vụ tài chính - tiền tệ và vấn đề ngoại hối. Nội dung thỏa thuận bao gồm lời cam kết của Trung Quốc về việc tăng mua hàng hóa dịch vụ Mỹ trong năm 2020. 

Các quan chức thương mại Bắc Kinh hiện chưa tiết lộ cụ thể nội dung những cải cách thương mại hay quy mô, khối lượng nhập khẩu hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc đồng thuận. Tuy nhiên, theo Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD nông sản Mỹ, dưới mức kỳ vọng 50 tỷ USD mà ông Trump đưa ra. “Các giao dịch mua nông sản này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm” - giám đốc Hội đồng kinh tế Quốc gia Larry Kudlow bổ sung. 

Dù vẫn còn ẩn chứa nhiều nghi vấn, các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định rằng một thỏa thuận thương mại như vậy sẽ là động lực tăng trưởng mới cho thị trường chứng khoán Mỹ, khi nó giúp trấn an tâm lý đầu tư và thúc đẩy niềm tin kinh doanh, đưa lợi nhuận doanh nghiệp lên cao hơn. 

Việc Chính quyền Trump dỡ bỏ một phần áp lực thuế quan với hàng hóa Trung Quốc cũng giúp giảm bớt áp lực lên chi tiêu tiêu dùng Mỹ, lĩnh vực đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành động lực chính cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2019.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục